Hai linh mục Giuseppe Bernardi và Mario Ghibaudo đã bị Đức quốc xã sát hại cùng với dân chúng khi đang thi hành sứ vụ linh mục. Sắc lệnh của Đức Thánh Cha được đọc trong Thánh lễ phong chân phước nói rằng đối diện với nguy hiểm, các ngài “đã không từ bỏ đàn chiên được giao phó, nhưng vẫn gần gũi bằng phúc lành và sự an ủi của Thiên Chúa cho đến độ đổ máu.”
Chúa Nhật 16/10/2022, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ sự Thánh lễ tại Boves, một thị trấn thuộc tỉnh Cuneo ở miền bắc Ý, tuyên phong chân phước cho hai linh mục tử đạo, nạn nhân của vụ thảm sát bởi Đức quốc xã ở Boves vào ngày 19/9/1943. Đó là cha Giuseppe Bernardi, 46 tuổi, cha xứ, và cha phó của ngài, là cha Mario Ghibaudo, 23 tuổi, mới chịu chức linh mục được ba tháng.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật cùng ngày 16/10/2022, nhắc đến hai tân chân phước, Đức Thánh Cha còn nói rằng các ngài đã chia sẻ số phận bi thảm của những công dân khác, bị tiêu diệt bởi Đức quốc xã. Ngài cầu nguyện để gương sáng của các chân phước khơi dậy trong các linh mục ước muốn trở thành mục tử theo trái tim của Chúa Kitô, luôn ở bên cạnh dân của mình.
Vụ thảm sát Boves
Vụ thảm sát Boves, vụ thảm sát đầu tiên của phát xít Đức ở Ý, đã diễn ra khi quân Đức tấn công dân thường không có khả năng tự vệ, phóng hỏa hơn 350 ngôi nhà và bỏ lại hàng chục nạn nhân trên mặt đất. Trong số này có cha xứ Giuseppe Bernardi 46 tuổi và cha phó trẻ Mario Ghibaudo 23 tuổi.
Sau khi Ý đầu hàng Đồng minh vào tháng 9/1943, hai binh sĩ Đức bị bắt khi các cuộc đụng độ vũ trang nổ ra ở vùng núi Boves giữa binh lính Đức Quốc xã và một nhóm du kích Ý. Thiếu tá Đức Joseph Peiper đe dọa sẽ tiêu diệt Boves nếu hai người lính không được thả.
Cuộc tử đạo của cha Bernardi
Là một cha xứ ở Boves, Cha Bernardi được kêu gọi làm người hòa giải, cùng với Antonio Vassallo, một thương gia địa phương. Sau khi cả hai thương lượng thành công việc thả hai binh sĩ Đức an toàn, Đức Quốc xã đã phá bỏ cam kết và bắt đầu một chiến dịch trả đũa bằng bạo lực. Vị linh mục và người doan nhân tham gia hòa giải bị giam trong một chiếc xe bọc thép mà từ đó họ chứng kiến cộng đồng của mình bị phá hủy.
Theo sắc lệnh của Vatican về việc tử đạo của cha Bernardi, từ chiếc xe bọc thép cha Bernardi đã làm phép những thi hài người chết. Cha bị giết bởi một phát súng và sau đó bị đốt cháy cùng với những người đồng hương khác vào ngày 19/9/1943, hưởng dương 46 tuổi.
Cha Bernardi đã rao giảng về sự tử đạo khi giáo xứ của cha cử hành lễ Thánh Bartôlômêô. Nếu cần thiết, ngài sẽ chết giữa những cực hình đau đớn, để công bố cho mọi người từ giá treo cổ rằng đức tin của ngài, tình yêu của ngài đối với Thiên Chúa mạnh hơn sự chết.
Cuộc tử đạo của cha Ghibaudo
Còn Cha Ghibaudo, vào sáng ngày 19/9/1943, đã đi xưng tội và dâng Thánh lễ ở Boves. Vài giờ sau, cha vội vã giúp những đứa trẻ mồ côi trốn đến miền quê khi lính Đức thiêu rụi 350 tòa nhà ở thị trấn miền núi phía nam thành phố Torino của Ý. Sau đó, vị linh mục trẻ trở lại thị trấn để mang Mình Thánh đến uỷ thác cho đan viện của các nữ tu Clara ở Boves để bảo vệ, ban phép tha tội cho những người cha gặp. Khi cha đến gần một người đàn ông đã bị bắn vào sau đầu để ban phép tha tội cho người này, chính ngài đã bị bắn bằng một khẩu súng máy. Một người lính còn dùng giày của anh ta giẫm lên mặt của linh mục và đâm ngài, giết chết ngài, chỉ ba tháng sau khi ngài được thụ phong linh mục.
Cha Ghibaudo chết khi đang phục vụ như là một linh mục, thực hiện lời kêu gọi mà cha đã cảm thấy khi rước lễ lần đầu và sau đó đã viết về điều này khi còn là một học sinh trung học: “Trở thành một linh mục, sống như một linh mục, chết như một linh mục: đây là sự tổng hợp những hy vọng quý giá nhất mà tôi dành cho cuộc đời mình.”
Hòa bình và hòa giải
Cả hai linh mục đều cố gắng cứu trị trấn Boves và cư dân của nó bằng cái giá của chính mạng sống của các ngài. Cha Giuseppe Bernardi đã mời một số thiếu nữ đến cầu nguyện với ngài trước thi thể của một người lính Đức, một cử chỉ mang lại kết quả hòa bình và hòa giải. Một trong những thành quả này là sự hiện diện của một phái đoàn đến từ Schondorf, quê quán của viên chỉ huy Đức quốc xã chịu trách nhiệm về vụ thảm sát Boves, tại lễ phong chân phước cho hai linh mục.
Mối quan hệ với cộng đoàn Schondorf ngày càng thêm gắn bó, một tình bạn có nguồn gốc từ ý chí chung là hoạt động vì hòa bình, được bắt đầu khi Hiệp hội Don Bernardi và Don Ghibaudo phát hiện ra rằng vị sĩ quan Đức quốc xã Peiper được chôn cất trong khu vực của nghĩa trang của giáo xứ Schondorf.
Cha Bruno Mondino, cha xứ của Boves, đã viết một lá thư yêu cầu gặp gỡ và trong một thời gian ngắn, vị linh mục người Đức, cha Heinrich Weiss, đã trả lời. Kể từ đó, hai cộng đoàn đã chia sẻ những giây phút cầu nguyện và tình bạn. Tiến trình hoà giải được cộng đoàn giáo xứ Boves bắt đầu và sau đó cũng được chính quyền thị trấn thực hiện và cuối cùng hai thị trấn Boves và Schondorf đã chính thức kết nghĩa.
Ca đoàn của cộng đoàn Schondorf cùng với ca đoàn giáo xứ Boves và Nhà thờ chính tòa Cuneo đã hát trong Thánh lễ. Bức tranh vẽ hai vị chân phước đã được vẽ bởi cha Gianluca Busi, linh mục giáo xứ Marzabotto. Đây cũng là một dấu hiệu nữa của sự chia sẻ giữa các cộng đồng đã chịu đau khổ và đã được tái sinh vì công ích.
Được dẫn dắt bởi cha xứ Bruno Mondino, Boves ngày nay đang lôi kéo các thị trấn từng là nơi xảy ra bi kịch chiến tranh tham gia vào hành trình tha thứ: “Sự tử đạo của các mục tử của chúng tôi đã cho chúng tôi sức mạnh để thực hiện Con đường Hòa giải, ví dụ như từ ngữ ‘kẻ thù’ không còn được gán cho bất kỳ ai trong số những người đã làm hại chúng tôi và cũng có một hy vọng mới cho những người đã theo logic của bạo lực, đã phá hủy cuộc sống của chính mình cùng với cuộc sống của người khác.”
Tiến trình phong chân phước được bắt đầu vào tháng 5/2013, chữ ký chính thức của giám mục Cuneo và Fossano khi đó, Đức cha Giuseppe Cavallotto, đã được lưu giữ trong tu viện của các nữ tu dòng thánh Clara. Ngày 26/4/2016 thánh tích của hai linh mục được chuyển đến nhà thờ thánh Bartôlômêô, hiện là điểm quy chiếu để cầu nguyện và cầu xin sự tha thứ.
Thánh lễ tuyên phong chân phước
Theo truyền thông địa phương, hơn 1.000 người đã tham dự Thánh lễ phong chân phước được tổ chức trong khuôn viên của đền thánh Đức Mẹ Rừng ở Boves. Hiện diện trong Thánh lễ cũng có Irma, một trong những cô gái đã cầu nguyện trong ngày bi thảm đó bên cạnh cha Bernardi và người lính bị giết. Đám đông tôn kính thánh tích hài cốt của hai vị tân chân phước.
Tử đạo khi đang cầu nguyện cho tha nhân
Trong bài giảng, Đức Hồng y Semeraro nói rằng cha xứ và cha phó giáo xứ đã chết trong khi cầu bầu cho những người khác. Đức Hồng y công bố một số chứng từ mà Vatican đã nhận được, trong đó một nhân chứng mô tả cha Ghibaudo như một “linh mục thi hành thừa tác vụ của ngài… giúp trốn thoát và đồng thời ban ơn tha thứ và chúc lành” và cha Bernardi là một “mục tử tốt, người đã hy sinh mạng sống của mình cho đàn chiên.”
Đức Hồng y khẳng định rằng nhiệm vụ của mọi linh mục là chuyển cầu, rằng sứ mạng linh mục về cơ bản là “trung gian của sự chuyển cầu”. Ngài trích dẫn lời của cha Pietro Bovati trong cuốn sách Cửa của Lời, nói rằng để sống lòng thương xót, “linh mục chuyển cầu, không phải vì ngài thánh thiện, hay vì ngài xứng đáng hơn những người khác, nhưng vì ngài tin tưởng vào quyền năng cứu chuộc của Chúa cho muôn dân”. Đức Hồng y chỉ ra rằng hai linh mục ở Cuneo đã chết vì tình yêu đối với đàn chiên đã được giao phó, và nhắc lại rằng cha Bernardi đã không chạy trốn nhưng bảo vệ dân chúng và cha Ghibaudo đã bị giết “trong khi thi hành sứ vụ tư tế của ngài ban phép giải tội tội cho một người sắp chết”. Đây là sự chuyển cầu của họ, chúc lành và ban phép tha tội. Hai chân phước của chúng ta đã giơ tay lên trời, giống như ông Môsê, cầu bầu với Thiên Chúa.
Chuyển cầu là sứ vụ của mọi Kitô hữu
Đức Hồng y Semeraro nói tiếp, tuy nhiên, sự chuyển cầu là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu. Ngài xác định rằng lời cầu nguyện Kitô giáo luôn luôn và trên hết là sự cầu thay cho tất cả mọi người và lời cầu nguyện Kitô giáo luôn là Công giáo và bao gồm. Cuối bài giảng, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng sự cầu thay “là hình thức cuối cùng của trách nhiệm Kitô giáo đối với thế giới”. “Trên thực tế, khi chúng ta không thể làm gì khác để giúp đỡ người khác, chúng ta luôn có khả năng giơ cánh tay lên với Chúa và cầu thay. Khi chúng ta không thể làm gì khác cho hòa bình, ngay cả để hòa giải, chúng ta vẫn còn khả năng giơ cánh tay về phía Chúa để cầu thay.”
Đức Hồng Y Semeraro kết luận rằng sứ mạng thực hành lời cầu nguyện chuyển cầu, cầu thay cho người khác, thuộc về mọi Kitô hữu và toàn thể Giáo hội, và trên hết, là của những người có vai trò trách nhiệm, những người phải nhìn người khác “bằng đôi mắt và trái tim của Thiên Chúa, với lòng từ bi và sự dịu dàng của Người.”
Hồng Thủy