Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho ngày thế giới truyền giáo 2022: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8).
Điều này nhắc nhớ chúng ta rằng Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo. Trong Thư Chung gửi mọi thành phần Dân Chúa, các Chủ chăn của Giáo Hội CGVN mời gọi các tín hữu hãy thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng một cách cụ thể “Củng cố tình hiệp thông” là định hướng mục vụ cho năm 2023. Trước hết là hiệp thông với Chúa, qua việc sống Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích và cầu nguyện. Sau đó là hiệp thông với nhau, qua những nghĩa cử bác ái. Một khi tình hiệp thông nội bộ Giáo Hội được củng cố, chúng ta mới nói đến việc loan báo Tin Mừng.
Non sông gấm vóc Việt Nam đón nhận Tin Mừng cứu độ Ðức Kitô từ những ngày đầu thế kỷ XVI. Công cuộc truyền giáo được bắt đầu kể từ năm 1533 ở làng Ninh Cường, và làng Trà Lũ (gp.Bùi Chu ngày nay). Chính “tình yêu Đức Kitô đã thôi thúc” (x.2 Cr 5,14) để các nhà thừa sai mạnh dạn và can đảm dám từ bỏ tất cả đến mức quên mình vì phần rỗi chúng ta (x.2Cr 5,1-21). Lửa truyền giáo cháy lên trong trái tim các Ngài đến nỗi nhiều vị đã sẵn sàng chết, để gieo niềm tin và hy vọng cho những con người vừa xa về khoảng cách địa lý, vừa lạ về ngôn ngữ, tập quán văn hoá đã tin theo lời giảng của các ngài.
Liền sau đó, lịch sử Giáo Hội Việt Nam ghi dấu 300 năm bị bách hại, và bị loại trừ. Nhà Nước phong kiến, nhất là các vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức muốn nhổ tận gốc mầm mống Đức Tin, tìm tru diệt các nhà thừa sai, các người Công Giáo. Tưởng chừng như Đạo lúc bấy giờ không có một tấc đất nào để sống, chứ đừng nói vươn lên. Cộng đoàn tín hữu nhỏ bé và yếu sức chỉ còn biết nhờ vào sức mạnh quyền năng Thiên Chúa, để vượt qua thử thách, đau khổ, bắt bớ và tù đày. Những cực hình, những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc bố ráp diệt tận gốc, không làm suy giảm đức tin của các tín hữu, nhưng lại làm cho đức tin ấy kiên cường hơn. Từ năm 1833 đến 1862 là thời kỳ bách hại đạo nghiệt ngã nhất, nhưng số tín hữu vẫn không ngừng gia tăng từ 320.300 người vào 1800 (cuối thời Tây Sơn) đã lên đến 426.000 người vào năm 1855 (thời vua Tự Đức).
Thế nhưng một điều thật nghịch lý là những năm của thế kỷ 20 được yên ổn thì Giáo Hội lại không tiến! Chúng ta thử lấy hai con số về giáo dân cách nhau gần 50 năm để so sánh: – Năm 1970, dân số VN là 38.113.000 người, có 2.491.839 người Công Giáo, chiếm 6,5%. – Năm 2020, dân số là 96.662.596, có 6.709.307 Công Giáo, chiếm tỉ lệ 6,94%. Những con số ấy cho thấy công cuộc truyền giáo đang khựng lại, và tỉ lệ gia tăng số người Công Giáo thấp hơn so với mức tăng dân số tự nhiên của cả nước. Điều gì khiến công cuộc rao giảng Tin Mừng tiến chậm? Phải chăng là do mất lửa truyền giáo? Hằng ngày chúng ta vẫn kêu gọi và cầu nguyện cho việc truyền giáo, nhưng lửa đó có cháy trong trái tim mỗi con người tín hữu không? Hay là chỉ cháy nơi những khẩu hiệu, những phong trào?
Hơn bao giờ hết, Truyền Giáo là một lời mời gọi khẩn thiết Giáo Hội gửi đến mỗi người tín hữu, và cũng là lời thách thức cho chúng ta. Chúa nhật tuần này, ngày Truyền Giáo, chúng ta sẽ làm gì cho công cuộc Truyền giáo! Giúp tiền bác ái cho việc Tổng lạc quyên Truyền giáo ư? Hay tham gia các đoàn thể để trực tiếp sinh hoạt tông đồ? Hoặc cầu nguyện cho các hoạt động Truyền Giáo, hoặc đến với ACE lương dân? Thật ra mỗi người một cách, ai làm được gì cho việc Truyền giáo thì làm. Xin đừng ai từ chối, vì đó là sứ vụ cao quý của chúng ta.