Tại sao người Công Giáo cầu nguyện cho những người đã chết?
Vào Ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn, Giáo hội Công giáo tưởng nhớ tất cả những người đã chết và cầu nguyện cho họ một cách đặc biệt.
Nhưng tại sao người Công giáo lại cầu nguyện cho linh hồn những người chết – không chỉ vào ngày 2 tháng 11 mà còn vào bất kỳ ngày nào trong năm? Và Giáo hội có thực sự tin vào sự tồn tại của luyện ngục không?
Cha Paul O’Callaghan, một linh mục hội dòng Opus Dei, nói: “Suốt trong thiên niên kỷ đầu tiên các Kitô hữu đều đồng tâm nhất trí cầu nguyện cho những người đã khuất. Ý tưởng cầu nguyện cho những người đã chết đã rất, rất lâu đời rồi”.
LM O’Callaghan, dạy thần học tại Đại học Giáo hoàng Thánh giá ở Rôma, đã trả lời câu hỏi này và các câu hỏi khác về luyện ngục trong một cuộc phỏng vấn với CNA.
Ngài nhấn mạnh: “Luyện ngục không phải là một học thuyết mang tính chủ nghĩa cá nhân, nơi tôi giải quyết và phân loại các vấn đề cá nhân cũng như tội lỗi và khiếm khuyết của mình. Đó là điều mà cả Giáo hội cùng làm”.
Cha O’Callaghan nói, cầu nguyện cho những người đã khuất có thể gợi lên một cảm thức đoàn kết lớn lao với những người đã chết trước chúng ta. “Khi chúng ta cầu nguyện cho họ, chúng ta như đang nói với chính mình, Chà, tôi hy vọng sẽ có ai đó cầu nguyện cho tôi”.
Cha O’Callaghan đã làm rõ một điểm quan trọng, rằng “Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Chúa Kitô là Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta”.
Ngài nói: “Nhưng vì Giáo hội là Thân thể của Chúa Kitô, nên Giáo hội cũng cộng tác trong tiến trình đó. Và đó là lý do tại sao lời cầu nguyện của các Kitô hữu dành cho những người chết là rất có giá trị và quan trọng”.
Ngài nói thêm: “Tôi thường cảm thấy rằng giáo lý về luyện ngục… là một trong những dấu hiệu tuyệt vời nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo lý đó nói với mọi người, “Hãy nhìn xem, các bạn biết đấy, tất cả chúng ta rồi ra sẽ đi đến cuối cuộc đời của mình một lúc nào đó. Và tất cả chúng ta nhìn lại đời mình với lòng hối hận, và một sự sợ hãi ít nhiều nào đó, vì chúng ta đã không trung tín như chúng ta đáng lẽ đã phải trung tín”.
Ngài nói: “Thật là một điều tuyệt vời khi Thiên Chúa có đủ … óc thực tế về thân phận con người sa ngã của chúng ta để cho chúng ta cơ hội được thanh tẩy hoàn toàn sau khi chết”.
Luyện ngục là gì và tại sao các linh hồn đến đó?
LM O’Callaghan nói, “Mục đích của luyện ngục là thanh luyện linh hồn con người sau khi chết khỏi những lỗi lầm và khiếm khuyết, và có thể nói, khỏi những thiếu sót trong cuộc sống của họ, là những điều còn phải được làm cho sáng tỏ”.
Vị linh mục trích dẫn lời dạy của Thánh Tôma Aquinô, nói rằng luyện ngục hoàn thành ba điều: tha thứ các tội nhẹ, thanh luyện các khuynh hướng tội lỗi, và xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra.
Thánh Tôma Aquinô nói hai điều đầu tiên được thanh luyện bởi “tình yêu thương xuyên thấu của Chúa Kitô”.
Nhưng đối với hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra, cũng có thể được mô tả như một “món nợ đạo đức”, chúng ta có thể được giúp đỡ nhờ lời cầu nguyện của những Kitô hữu khác. Bởi vì “thực tế là với tội lỗi của chúng ta, chúng ta không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa, và chúng ta gây thiệt hại cho chính mình, mà còn gây thiệt hại cho người khác”.
“Có rất nhiều suy lý thần học về vấn đề cụ thể này,” LM O’Callaghan giải thích.
Ngài cho biết ngọn lửa luyện ngục đã được các nhà thần học hiện đại như Yves Congar, Hans Urs von Balthasar, và Hồng y Joseph Ratzinger (Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVItương lai) giải thích là “ngọn lửa của khuôn mặt Chúa Kitô”.
“Và theo nghĩa đó, luyện ngục giống như một ngọn lửa,” LM O’Callaghan nói, viện dẫn 1 Côrintô 3:13, trong đó nói: “Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người”.
Vị linh mục nói, đoạn văn đó đề cập đến “ý tưởng về ngọn lửa thanh luyện, giúp loại bỏ những điều sai trái và tồi tệ”.
Ngài nhấn mạnh, “Nhưng đồng thời, đó không phải là ngọn lửa phi cá tính: Đó là ngọn lửa của Đấng yêu thương chúng ta, cứu chữa chúng ta và chăm sóc chúng ta” – đó là “ngọn lửa phát ra từ khuôn mặt của Chúa Kitô”.
Các Kitô hữu không phải Công giáo tin điều gì khi nói về luyện ngục?
LM O’Callaghan nói: “Nói chung, những người theo đạo Tin lành đã phủ nhận giáo lý về luyện ngục”.
Ngài nói, sự phủ nhận này có từ thế kỷ 16 và từ cuộc Cải cách Tin lành, khi Martin Luther và John Calvin nghĩ rằng người Công giáo đang mắc hai sai lầm: phủ nhận khả năng tha tội của Thiên Chúa và khiến sự cứu độ phụ thuộc vào công việc của con người.
Vị linh mục nói: “Trên thực tế, Calvin đã đi quá xa khi nói rằng tập tục cổ xưa cầu nguyện cho những người chết là một sai lầm, rằng họ không nên làm điều đó, và họ nên để mọi thứ trong tay Chúa. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta biết rằng sự cứu độ nằm trong tay Thiên Chúa”.
Vị linh mục nói tiếp: “Là người Công giáo, chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng cứu độ chúng ta. Nhưng chúng ta cũng nhận ra sự thật rằng quyền năng cứu độ của Thiên Chúa can dự vào cuộc sống của chúng ta [theo một cách nào đó], là điều mà chúng ta phải chấp nhận và đón nhận một cách thông hiểu và hết lòng”.
Ngài nói: “Và đó là một quá trình đau đớn bởi vì chúng ta phải vượt qua những khuynh hướng tội lỗi đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói tiến trình thanh luyện, vốn dĩ sẽ diễn ra một cách dứt khoát sau khi chết, đang diễn ra trong cuộc sống này rồi”.
LM O’Callaghan cho biết Thánh Gioan Thánh Giá, sống cùng thời với Luther và Calvin, đã phát triển ý tưởng về sự liên tục giữa việc thanh luyện trên trần thế và việc thanh luyện sau khi chết.
“Nói cách khác, ý tưởng cho rằng chính bởi vì ân sủng của Thiên Chúa đổi mới chúng ta và đi sâu vào tâm hồn chúng ta, và điều ấy tạo ra một tiến trình thanh luyện … tiến trình đó có thể không hoàn tất vào thời điểm một người phải chết, nghĩa là không hoàn tất trước khi cuộc đời của người ấy kết thúc”.
Giáo huấn của Giáo hội Công giáo về sự tồn tại của luyện ngục bắt nguồn từ đâu?
LM O’Callaghan nói Giáo lý của Giáo hội về luyện ngục bắt nguồn từ quyển thứ hai Macabê trong Cựu Ước.
Trong quyển thứ hai Macabê, những người lính chiến đấu trong các trận chiến của Chúa “bị giết chết và được đưa về chôn cất với những người thân trong phần mộ tổ tiên. Nhưng bên trong áo trận của mỗi tử thi, người ta đều tìm thấy lá bùa của tượng thần ở Giamnia: đó là điều luật cấm; vì thế ai cũng thấy rõ bởi lý do nào mà những người ấy đã bị giết chết. Vậy mọi người chúc tụng Thiên Chúa, vì Ngài là thẩm phán công minh đã phơi bày ra ánh sáng những điều bí ẩn. Họ bắt đầu khẩn nguyện, xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm. Vị anh hùng Giuđa khuyên nhủ toàn quân giữ mình sạch tội, vì họ đã nhìn thấy nhãn tiền những việc xảy ra là do tội của những người đã bị giết chết. Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Macabê 12: 39-46).
Sách thánh gọi những hy sinh này dành cho người chết trong quyển thứ hai Macabê là “cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý”.
Cha O’Callaghan nói, ý tưởng về việc thanh luyện cũng có trong Tân Ước. Các Giáo phụ cũng viết về luyện ngục và ghi lại rằng các Kitô hữu trong thời các tông đồ cầu nguyện cho người chết.
Tuy nhiên, Giáo hội đã không đưa ra tuyên bố về giáo lý luyện ngục mãi cho đến thời Trung cổ.
Cha O’Callaghan cho biết một số người có thể dựa vào thực tế này để nói rằng Giáo hội Công giáo đã phát minh ra luyện ngục.
Ngài nói: “Tôi thấy điều đó dưới một góc nhìn khác. Tôi thấy rằng chính vì các Kitô hữu đã chấp nhận cầu nguyện cho người chết, nghĩa là họ đã chấp nhận sự tồn tại của luyện ngục. Nhưng bởi vì không ai bác bỏ vấn đề đó…, nên không cần phải chỉ rõ ra nữa”.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,
theo catholicnewsagency.com.