Tên trộm và người chủng sinh
Chủ đề: “Vị Vua bị đóng đinh muốn tha thứ chúng ta như Người đã tha thứ cho tên trộm lành trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên”
Tập san Catholic Digest có mục thường xuyên được gọi là “The Open Door” (Cửa Rộng Mở). Trong mục này thường có hai hay ba câu chuyện do độc giả gởi đến. Những câu chuyện này kể lại sự hoán cải trở lại đạo Công Giáo của độc giả.
Có một câu chuyện thật cảm động về chàng thành niên lớn lên trong một gia đình Công Giáo, từng tích cực hoạt động trong Giáo Hội, và sau đó gia nhập chủng viện.
Rồi đến những năm đầy xáo trộn thời chiến tranh Việt Nam. Trong thời gian này, ba sinh viên ở một đại học Ohio bị giết trong lúc biểu tình phản đối chiến tranh. Những cuộc dấy loạn về sắc tộc như xé nát nhiều thành phố trong nước. Các nhà lãnh đạo quốc gia bị ám sát. Mọi sự bỗng dưng trở nên rời rạc.
Chàng thanh niên này rời chủng viện, tham gia phong trào chống chiến tranh, từ bỏ Giáo Hội, và chế nhạo đức tin mà trước đây anh từng ấp ủ.
Gia đình anh bàng hoàng vì sự thay đổi này. Và khi thái độ của anh ngày càng thù nghịch với tôn giáo, họ đã hoàn toàn tuyệt vọng.
Sau đó là Tuần Thánh và trong Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1970, chàng thành niên, lúc ấy 22 tuổi, lái xe ngang qua một nhà thờ Công Giáo. Anh nhận ra tên của cha xứ trên tấm bảng trước nhà thờ. Đó là vị linh mục anh rất kính trọng. Điều gì đó đã thúc đẩy anh dừng xe và đi vào nhà thờ.
Khi bước vào cửa, nghi thức Tôn Kính Thánh Giá bắt đầu. Anh ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Anh theo dõi dân chúng xếp hàng lên hôn thánh giá, trong khi ca đoàn hát bài “Were You There When They Crucified My Lord?” (Bạn có ở đó khi họ đóng đinh Chúa không?)
Và rồi điều gì đó thật lạ lùng đã xảy ra. Anh viết:
“Trong con người tôi, điều gì đó đột ngột xảy ra và tôi bắt đầu khóc. Sau khi dằn được xúc động, tôi nhớ lại sự bình an mà từ lâu tôi đã bỏ lại nơi nhà thờ. Đức tin đơn sơ mà giờ đây tôi đang chứng kiến thì dường như có ý nghĩa hơn là điều tôi tuyên xưng. Tôi bước ra khỏi ghế và quỳ xuống hôn Thánh Giá. Vị linh mục nhận ra tôi, ngài đến ôm lấy tôi.”
“Từ ngày đó trở đi,” anh cho biết, “tôi trở nên một người Công Giáo tái sinh.”
Anh kết thúc với nhận xét sau: “Tại sao tôi dừng xe ở nhà thờ đó vào ngày hôm ấy, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, nhưng tôi biết rằng tôi thật sung sướng với các kết quả.”
Tôi thích câu chuyện này vì nó thích hợp với các bài đọc trong ngày lễ Chúa Giêsu là Vua hôm nay.
Vì bài Phúc Âm diễn tả một thanh niên vô tôn giáo, đầy giận dữ đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên cách đây hai ngàn năm.
Và điều thay đổi cuộc đời của người thanh niên này cũng chính là điều thay đổi anh chủng sinh trong câu chuyện. Đó chính là việc đóng đinh Đức Kitô. Đó là việc đóng đinh Đức Kitô Vua.
Và điều mà Đức Kitô trên thập giá đã nói với người trộm thì Người cũng nói với anh chủng sinh:
“Ta hứa với con là hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng.”
Thật khó có bài đọc nào thích hợp hơn để kết thúc năm phụng vụ. Nó tóm lược lý do tại sao Chúa Giêsu đến trong thế gian. Chính là để tha thứ cho tội nhân, như tên trộm-và như anh chủng sinh.
Và điều này đưa chúng ta đến việc áp dụng tất cả những điều này vào thực tế đời sống chúng ta. Đó là:
Điều Chúa Giêsu đã làm cho người trộm lành và anh chủng sinh, Người cũng muốn làm cho chúng ta.
Người muốn tha thứ tội lỗi chúng ta, bất kể có to lớn đến đâu và lâu đời đến đâu.
Người muốn nói với chúng ta điều mà Người đã nói với tên trộm và anh chủng sinh:
“Ta hứa với con là hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng.”
Đây là tin mừng khiến chúng ta quy tụ nơi đây để mừng lễ Kitô Vua.
Đó là tin mừng mà Chúa Giêsu muốn đi vào cuộc đời chúng ta và thi hành cho chúng ta điều mà Người đã làm cho tên trộm và anh chủng sinh.
Thánh Phaolô diễn tả tin mừng đó trong bài đọc hai hôm nay:
[Thiên Chúa] đã cứu chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa chúng ta một cách bình an đến vương quốc của Con yêu dấu của Người, mà nhờ Người chúng ta được tự do, đó là, chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi.”
– Lm. Mark Link, SJ.