THÁNH CLÊMENTÊ I GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
Khi sai các Tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu căn dặn các ông đủ điều. Chúa lệnh cho các Tông đồ đưa tất cả các chiên lạc về đàn. Chúa truyền các ông chữa bệnh nhân, phục sinh kẻ chết, chữa lành người hủi, xua đuổi quỉ thần. Chúa dạy các Tông đồ hãy cho tất cả, cho không vì đã lãnh nhận không công. Chúa dạy các Tông đồ khi đi truyền giáo không được tìm vàng bạc, tiền tài để tích trữ cho mình. Hơn nữa, Chúa còn khuyên các Tông đồ khi truyền giáo đừng mang theo bị đầy, đừng mang hai áo khoác, cũng đừng mang giầy dép hoặc gậy, vì có làm thì có ăn (Mt 10, 7-11).
Sau khi đã dặn cặn kẽ mọi điều. Chúa Giêsu đưa ra mấy lời tiên báo về số phận của các vị truyền giáo: “Các con đừng có tin người ta; họ sẽ nộp chúng ta cho hội đồng công tọa, họ sẽ đánh đập các con trong các hội đường. Các con sẽ bị điệu đến trước nhà quan vì Thầy, để làm chứng cho Thầy trước mặt họ và lương dân. Nhưng khi họ nộp các con, các con đừng lo sẽ phải ăn nói thế nào: Nếu cần phải nói gì lúc đó, các con sẽ được ơn trên cho biết, bởi vì không phải các con sẽ nói nhưng là chính Thánh Thần của Cha các con sẽ nói ở trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con; con cái sẽ chống đối cha mẹ và sẽ làm cho cha mẹ phải chết. Và các con sẽ bị mọi người ghen ghét vì danh Thầy; nhưng ai kiên chí đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 17-23).
Tất cả những lời tiên báo trên đây đã được thực hiện trọn vẹn đối với tất cả các thánh Tông đồ. Thứ đến các đấng kế vị các Tông đồ và tất cả các kitô hữu đã can đảm hy sinh tính mạng vì Chúa.
Trong số các đấng kế vị các thánh Tông đồ đã anh dũng hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô và thực hiện trọn vẹn lời tiên báo của Chúa Giêsu, chúng ta phải kể đến thánh Clêmentê I Giáo Hoàng tử đạo.
Thánh Clêmentê là vị Giáo Hoàng thứ ba của Giáo hội công giáo. Ngài sống vào cuối thế kỷ thứ I. Người ta không được biết rõ về thời niên thiếu của ngài. Có lẽ thánh nhân thuộc quốc tịch Rôma. Ngài là một nhà trí thức, đồng thời cũng là một nhà văn lỗi lạc. Phân tích lá thư ngài gửi giáo hữu Côrintô, người ta có thể đi đến kết luận: Thánh Clêmentê là một nhà hùng biện. Ngài đặc biệt yêu quí Kinh Thánh và lấy đó làm nền tảng mọi suy tư của ngài. Tất cả các tác phẩm của ngài vì vậy đều thấm nhuần những tư tưởng của lời Chúa.
Thánh nhân có tài trình bày tư tưởng rất khúc chiết, minh bạch và rất thông thạo các tác giả cổ điển. Có lẽ thánh Clêmentê đã được thánh Phaolô đưa vào đạo công giáo. Đến sau ngài lại được thánh Phêrô chọn làm môn đệ. Rồi làm Giáo Hoàng. Về điểm này đã được chính thánh Irênê xác nhận trong cuốn “Chống lạc giáo” của ngài như sau:
“Sau khi đã thành lập Giáo hội, hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô truyền ngôi Giáo Hoàng cho Đức Linô. Chính Đức Linô đã được thánh Phaolô nhắc với quí danh trong thư giáo mục của ngài gửi Timôtê. Đến sau Đức Anaclêtô lên kế vị Đức Linô. Sau đức Anaclêtô là Đức Clêmentê được chọn làm Giáo Hoàng. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ ba kể từ các Tông đồ. Đức Clêmentê đã được giao tiếp với các Tông đồ, được nghe các Tông đồ giảng dạy và được chứng kiến công việc các ngài làm”.
Nhờ tài liệu lịch sử trên đây, chúng ta có thể quyết đoán được rằng: thánh Clêmentê đã được bầu làm Giáo Hoàng vào cuối thế kỷ thứ I.
Khi lên ngôi Giáo Hoàng, thánh Clêmentê đã làm nhiều việc phi thường. Trong số đó chúng ta phải kể đến việc ngài đã cương quyết dùng quyền tối thượng của ngôi Giáo Hoàng để can thiệp, dàn xếp một cuộc phản loạn của giáo hữu Côrintô đã nổi lên chống đối hàng giáo phẩm địa phương của họ. Về vấn đề này cũng đã được thánh Irênê chính thức xác nhận trong cuốn “Chống lạc giáo” của thánh nhân như sau: “Dưới thời Đức Clêmentê, tại giáo đoàn Côrintô có một cuộc phản loạn của giáo hữu nổi lên chống đối hàng giáo phẩm của họ. Bấy giờ Giáo hội Rôma gửi cho giáo hữu Côrintô một bức thư khá quan trọng nhằm vãn hồi hòa bình của giáo đoàn và củng cố đức tin của họ”.
Việc can thiệp cương quyết và sáng suốt này đã là một điều đánh dấu triều đại Giáo hoàng của thánh Clêmentê. Nhờ việc làm đó mà tên tuổi của Đức Clêmentê I đã được muôn đời ca tụng. Vì lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, một vị Giáo Hoàng đã sử dụng quyền tối thượng của mình để can thiệp vào nội bộ một giáo đoàn khác. Thế nên, trong việc can thiệp này, không những nói lên một bằng chứng cụ thể về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng Rôma, đồng thời nó còn cho ta thấy thiên tài đặc biệt của đức Clêmentê vị Giáo Hoàng thứ ba của Giáo hội Rôma. Đọc bức thông điệp gửi giáo hữu Côrintô, chúng ta cũng có thể hình dung một phần nào chân dung của Đức Clêmentê I. Ngài là vị Giáo Hoàng xuất chúng, ngài có những tư tưởng thật độc đáo và có những cái nhìn rất sâu sắc. Qua bức thông điệp gửi giáo hữu Côrintô, ta cũng có thể nhận ra rằng thánh Clêmentê là một Giáo Hoàng hiền từ, bác ái và khiêm tốn.
Một vị Giáo Hoàng thánh thiện, lỗi lạc như thế, quả xứng đáng được Chúa tuyển chọn làm chứng nhân của Chúa trước mặt vua quan, trước mặt thế gian, và được đóng góp máu của mình vào những gì còn thiếu trong những nỗi thống khổ của Chúa Giêsu.
Thực thế, dưới thời Hoàng đế Trajanô, thánh Clêmentê bị bắt và bị kết án tử hình. Lý hình cột đá vào cổ thánh nhân, rồi ném ngài xuống biển. Dưới triều Đức Giáo Hoàng Adrianô II, xác thánh nhân đã được đưa về Rôma và được táng trong nhà thờ đã được xây cất từ trước để dâng kính ngài.