Ý NGHĨA CỦA GIÁNG SINH, MỐI DÂY GIỮA MÁNG CỎ VÀ THẬP GIÁ
Trình thuật Tin mừng về việc Chúa Giêsu ra đời, không phải chỉ là kể lại những chuyện xảy ra ở Bê-lem. Trong các bình luận về việc Chúa Giêsu ra đời, học giả kinh thánh lừng danh Raymond Brown, đã nhấn mạnh rằng các trình thuật này được viết rất lâu sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và trỗi dậy từ cõi chết, do đó các trình thuật Giáng sinh cũng mang sắc thái của cái chết và sự phục sinh. Có thể nói, những trình thuật kể về việc Chúa Giêsu hạ sinh cũng giống như các trình thuật kể về cuộc thương khó và cái chết của Chúa vậy. Khi các tác giả Tin mừng nhìn lại sự ra đời của Chúa Giêsu qua lăng kính phục sinh, họ nhìn thấy trong sự ra đời của Ngài đã có mẫu hình cho cuộc đời sứ mệnh, cho cái chết và sự phục sinh của Ngài rồi. Thiên Chúa đến với thế gian và một số người tin và đón nhận Ngài, số khác thì thù ghét và loại trừ Ngài. Với một số người, Ngài đem lại ý nghĩa, còn với số khác thì Ngài gây hoang mang và giận dữ. Có một thông điệp trưởng thành về Chúa Kitô trong Giáng Sinh và về việc hiểu ý nghĩa của Giáng Sinh qua thập giá, cũng hệt như qua máng cỏ vậy. Và còn cả những ánh đèn, những bài hoan ca, máng cỏ và ông già Noel nữa.
Cả chúng cũng có chỗ của mình. Karl Rahner, không ngây thơ về những nhận định của Raymond Brown, đã lập luận rằng, Giáng Sinh vẫn mang ý nghĩa là hạnh phúc, và niềm vui đơn sơ của trẻ con thì diễn tả ý nghĩa Giáng Sinh chính xác hơn tính yếm thế của người lớn. Rahner cho rằng, vào lễ Giáng Sinh, Chúa cho chúng ta một ưng thuận đặc biệt để hạnh phúc. “Đừng sợ hạnh phúc, tiêu chuẩn của cuộc sống là niềm vui, hơn là lo âu và đau buồn của những con người không có hy vọng.… Ta không xa rời thế gian, dù cho lúc này con không thấy Ta.… Ta ở đó. Giáng Sinh. Hãy thắp lên những ngọn nến. Ngọn nến đáng tồn tại hơn toàn bộ bóng đêm. Giáng Sinh. Giáng Sinh tồn tại mãi.” Trong Giáng Sinh, máng cỏ thắng thập giá, dù cho thập giá không hoàn toàn biến mất.
Làm sao mà thập giá và máng cỏ hợp với nhau được? Núi Sọ có phủ bóng muôn đời trên Bê-lem? Giáng Sinh có khiến chúng ta phiền lòng hơn là an ủi chúng ta? Liệu niềm vui đơn thuần của chúng ta trong Giáng Sinh có nhầm hay không?
Không. Vui mừng là ý nghĩa của Giáng Sinh. Những bài hoan ca đáng được cất lên. Trong Giáng Sinh, Thiên Chúa cho chúng ta một ưng thuận đặc biệt để hạnh phúc, dù cho phải hiểu thật cẩn thận điều này. Không có mâu thuẫn bẩm tại nào giữa niềm vui và đau khổ, giữa hạnh phúc và trải qua mọi nỗi đau cuộc đời đem lại. Niềm vui không phải là khoái lạc không có đau khổ trong đời. Niềm vui đích thực là một sự trường tồn luôn mãi, ở trong chúng ta qua suốt mọi cảm nghiệm trong đời, kể cả đau đớn và thống khổ. Chúa Giêsu hứa với chúng ta “một niềm vui không ai lấy mất được.” Rõ ràng điều này nghĩa là một sự gì đó không biến mất vì chúng ta đau bệnh, vì người thân yêu qua đời, vì bị bạn đời phản bội, vì mất việc làm, vì bị bạn bè loại trừ, vì bị đau đớn thân xác, hay vì buồn sầu. Không một ai trong chúng ta thoát được đau đớn và khốn khổ. Niềm vui có thể cộng sinh với chúng. Thật vậy, niềm vui nghĩa là lớn lên sâu sắc hơn qua các cảm nghiệm đau đớn và đau khổ. Chúng ta được định là những con người của vui mừng, dù sống trong đau đớn. Đây là một lớp nghĩa, mà các tác giả Tin mừng, lấy từ nhận thức về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, để đưa vào trình thuật Giáng Sinh.
Nhưng, tất nhiên, trẻ em không thấy được điều này khi chúng hòa trong bầu khí phấn khích của Giáng Sinh, và khi chúng nhìn vào Chúa Kitô Hài Đồng trong máng cỏ. Niềm vui của trẻ em vẫn còn vô tội, được bảo vệ bởi sự ngây thơ, vẫn đang chờ một sự vỡ mộng, nhưng đó là niềm vui thật. Niềm vui ngây thơ của một đứa trẻ, là thật, và thật sai lầm khi muốn viết lại chúng bằng sự vỡ mộng khi trưởng thành. Những gì thật, là thật. Những ký ức tươi đẹp chúng ta có khi chờ đợi và mừng Giáng Sinh lúc còn là đứa trẻ, vẫn không mất chút gì giá trị khi chúng ta biết là ông già Noel không có thực. Giáng Sinh mời gọi chúng ta hãy vẫn “lao đầu vào chiếc bánh ngọt.” Và bất chấp mọi vỡ mộng trong đời sống trưởng thành, Giáng Sinh vẫn cho chúng ta, những người trưởng thành bị khủng hoảng, một lời mời tuyệt diệu.
Ngay cả khi chúng ta không còn tin có ông già Noel, và khi tất cả các máng cỏ, đèn chớp, hoan ca, thiệp chúc, những tấm giấy gói sặc sỡ và các món quà Giáng Sinh không còn cho chúng ta những xúc động như xưa, thì lời mời đó vẫn còn. Giáng Sinh mời chúng ta hãy hạnh phúc, và đòi chúng ta phải kiêng bớt thói yếm thế của người lớn, mà theo một niềm vui có thể nắm bắt được cả thập giá lẫn máng cỏ để chúng ta có thể sống trong một niềm vui mà không một ai, không một bi kịch nào có thể lấy của chúng ta được. Điều này sẽ cho chúng ta, trong dịp Giáng Sinh, được như những đứa trẻ, đâm đầu vào chiếc bánh ngọt.
Giáng Sinh, đem lại cho cả trẻ thơ lẫn người lớn, một ưng thuận để hạnh phúc.
Rev. Ron Rolheiser, OMI