Các nước cấm không cho Chúa Giêsu Hài Đồng sinh ra
Chung chung có hai lý do để các chính quyền thù nghịch không cho người dân mừng lễ Giáng Sinh: ý thức hệ cộng sản và chủ nghĩa hồi giáo cực đoan.
Nếu trong thời các ngài, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã bị vua Hêrôđê lùng giết, thì đôi khi tình trạng các tín hữu kitô ngày nay trong nhiều nước cũng gặp khó khăn khi họ mừng lễ Chúa sinh ra. Trong khi ở các nước phương Tây, từ Mùa Vọng người dân đã mừng lễ Giáng Sinh qua các tiệc tùng ăn chơi, mua sắm náo nhiệt thì có một số nước, chính quyền chính thức cấm người dân không được mừng ngày Chúa sinh ra, có khi họ còn đe dọa giết.
Buồn thay, đây là các nước Chúa Giêsu gần như bị cấm “không được sinh ra vào ngày 25 tháng 12”:
Các nước cấm mừng lễ Giáng Sinh
1- Brunei
Năm năm tù và 20.000 đô la tiền phạt: đó là hình phạt vào năm 2015 cho một người hồi giáo đã… ngạc nhiên thấy mình “phạm tội ác” khi mừng lễ Giáng Sinh! Brunei là một quốc gia nhỏ có 420.000 người dân và 62% là người hồi giáo. Chỉ gởi thiệp mừng Giáng Sinh cho cha mẹ hay bạn bè cũng bị phạt. Các phật tử, kitô hữu, những người không theo đạo hồi giáo, nếu họ muốn, họ có thể mừng lễ Giáng Sinh trong gia đình. Theo Bộ trưởng bộ Tôn giáo, việc cấm mừng lễ là để “tránh các buổi lễ tổ chức công khai và to lớn có thể hại đến đức tin của cộng đồng hồi giáo”.
Năm 2015, một nhóm các giáo sĩ đã phát hành một video để cảnh cáo tín hữu hồi giáo: “Người hồi giáo tham dự các lễ của người kitô giáo hoặc dùng các biểu tượng tôn giáo như thánh giá, thắp đèn cầy, cây Noel, trang hoàng Noel, hát bài Noel hay kể các chuyện Noel là đi ngược với đức tin hồi giáo (…). Một vài người cho rằng đây là chuyện vui đùa nhưng là người hồi giáo, chúng ta phải tránh các lễ lạc của các tôn giáo khác.
2- Somalia
Một thời gian sau khi vua hồi giáo Brunei ra lệnh cấm mừng lễ Giáng Sinh thì tháng 12 – 2015, nước Somalia cũng noi gương theo. Ông Mohamed Khayrow giải thích: “Tất cả các sự kiện liên hệ đến việc mừng lễ Giáng Sinh và Năm Mới là đi ngược với văn hóa hồi giáo và làm hại cho đức tin của cộng đồng hồi giáo, tất cả các việc này đều bị cấm”, ông là tổng giám đốc phân vụ tôn giáo thời đó. Nước Somalia là nước lâm vào cảnh nội chiến, khủng bố và đói kém từ hàng chục năm nay.
Đa số người dân nước Somalia theo đạo hồi, chính quyền cho biết, nếu cho người dân tổ chức mừng lễ Giáng Sinh thì sẽ khơi dậy các cuộc tấn công của người hồi giáo shebab. Năm 2014, tổ chức khủng bố này chiếm một phần lớn đất đai nước Somalia, họ tấn công một căn cứ của Liên hiệp Phi châu ở Mogadiscio làm cho 12 người thiệt mạng. Vì các cuộc bách hại liên tiếp xảy ra ở Somalia nên gần như không có một tín hữu kitô nào còn ở đây.
3- Tadjikistan
Tadjikistan là nước hồi giáo nhưng thế tục ở Trung Á, việc mừng lễ Giáng Sinh ngày càng tế nhị ở đây. Năm 2013, nhà cầm quyền cấm các đài truyền hình chiếu một phim Noel của Nga. Hai năm sau, các trường học bị cấm không được chưng cây Noel và nhận quà Noel. Đó là không kể Bộ giáo dục áp dụng các nguyên tắc hồi giáo, cấm đốt pháo bông, cấm các bữa ăn mừng lễ, cấm trao đổi quà và gây quỹ trong các dịp lễ mừng Năm Mới.
4- Bắc Hàn
Từ khi chủ thuyết cộng sản đến với đất nước này trong những năm1950 thì tất cả mọi sinh hoạt thờ phượng của tín hữu kitô đều bị cấm. Các nhóm bảo vệ nhân quyền ước lượng có từ 50.000 đến 70.000 tín hữu kitô ở trong các nhà tù, các trại tập trung ở Bắc Hàn, đơn giản chỉ vì họ giữ đạo.
Năm 2016, nhà độc tài Kim Jong-Un đã bước thêm một bước trong việc cấm đoán mừng lễ Giáng Sinh: không những ông lập lại việc cấm mừng lễ Chúa sinh ra đêm 24 tháng 12, mà ông còn ra lệnh đêm 24 tháng 12 phải mừng sinh nhật bà nội của ông là bà Kim Jong-Suk, người đã đánh bại người Nhật và trở thành người vợ của nhà độc tái đầu tiên Kim Il Sung của Bắc Hàn. Bà sinh ngày 24 tháng 12 -1919 và qua đời năm 1949, bà là “Mẹ thánh của Cách mạng”.
Các nước có thể gặp khó khăn khi mừng lễ Giáng sinh
1- Trung quốc
Trong các thành phố lớn của Trung quốc, các cửa hàng, các con đường thương mại trang hoàng màu sắc Noel vào tháng 12. Hình ảnh ông già Noel, cây Noel, bài hát Noel có mặt khắp nơi. Rất nhiều người Trung quốc không theo đạo xem việc mừng lễ Noel như “lễ hội của mùa” cho việc buôn bán; nhưng có người còn xem đây là “nét văn hóa hiện đại” theo phương Tây, vì thế là “kẻ thù của dân tộc”, một tư tưởng áp đặt trên đời sống người dân từ cuộc cách mạng cộng sản vào thế kỷ 20.
Với những người trí thức thân cận chính quyền trung ương, việc đa số dân chúng mừng lễ Noel được nhìn với một cặp mắt dè dặt, nếu không muốn nói là thù nghịch. Năm 2014, Viện Khoa học Xã hội Trung quốc đã phát hành một quyển sách trong đó nêu ra chi tiết các “vấn đề gay go nhất” trong nước và giải thích bốn vấn đề sau: các ý tưởng dân chủ du nhập từ các nước phương Tây, quyền bá chủ văn hóa phương Tây, phát tán tin tức qua Internet… và sự tăng trưởng tôn giáo.
Một ít thời gian sau, mười sinh viên theo học tiến sĩ ở Trung quốc công bố một bài báo phân tích hiện tượng mà họ tố cáo là “sùng bái Noel” và kêu gọi người dân Trung quốc tẩy chay. Theo các sinh viên này, “cơn sốt Noel” ở Trung quốc chứng tỏ “việc đánh mất sự trội hẳn của tâm hồn văn hóa Trung quốc” và sự sụp đổ của “chủ thể văn hóa Trung quốc”. Họ xin người dân chú ý đến vấn đề mà họ xem như một “bước tiến mới để kitô-hóa” đất nước của họ.
2– Ấn Độ
Mặc dù tổ chức lễ Giáng sinh không bị nghiêm cấm ở Ấn Độ, nhưng người tín hữu kitô thường xin cảnh sát bảo vệ đặc biệt khi gần đến ngày lễ vì họ sợ bị tấn công. Theo một báo cáo của Diễn đàn Kitô giáo Thống nhất, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022 đã có 207 cuộc tấn công vào tín hữu kitô đã được ghi nhận. Nhiều giáo dân bị tù vì tội “ép bức vào đạo”.
3– Afghanistan
Với sự sụp đổ chính phủ ở Afghanistan, việc Mỹ và khối NATO rút quân và việc người Taliban lên nắm quyền tháng 8 năm 2021, tình trạng người tín hữu kitô ở Afghanistan còn tệ hơn trước đây. Do Taliban tiếp quản, phần lớn thiểu số tín hữu kitô, chỉ khoảng vài ngàn người đã phải chạy trốn. Những người ở lại sống trong sợ hãi bị bắt, bị tra tấn và hành quyết. Vì thế không có việc cử hành lễ Giáng sinh cách công khai.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
🌐 phanxico.vn / aleteia.org, Ban biên tập báo Aleteia, 2202-12-22