TIN MỪNG (Ga 4, 1 – 42)
1 Các người thu thuế 1 Nhóm Pha-ri-sêu nghe tin Đức Giê-su thâu nạp và làm phép rửa cho nhiều môn đệ hơn ông Gio-an.2 (Thực ra, không phải chính Đức Giê-su làm phép rửa, nhưng là các môn đệ của Người).3 Biết thế, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê.4 Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri.5 Vậy, Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se.6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống! “8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn.9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? ” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri.10 Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”11 Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”13 Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát.14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” 15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”
16 Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.”17 Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: “Chị nói: “Tôi không có chồng” là phải,18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.”19 Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. ..
20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.”21 Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem.22 Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái.23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.”25 Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” 26 Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy? ” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy? “28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta:29 “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao? “30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.”32 Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.”33 Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng? “34 Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.35 Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng.37 Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng!38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” 39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm.40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày.41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa.42 Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
**********
A. “Người phải băng qua Samari” (c. 1-6)
B. Đức Giêsu và Người Phụ Nữ Samari: bày tỏ và đón nhận (c. 7-30)
1. “Ông là người Do Thái” (c. 7-15)
2. “Tôi thấy ông là một ngôn sứ” (c. 16-26).
a. Vấn đề đời tư (c. 16-19)
b. Vấn đề của cộng đồng: thờ phượng Thiên Chúa (c. 20-26)
3. “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?” (c. 27-30)
A’. “Người ở lại với họ” (c. 31-42)
* * *
Các môn đệ đi mua thức ăn (c. 8) và sau đó, các môn đệ trở lại (c. 27). Trong khoảng thời gian này, đã xẩy ra cuộc gặp gỡ mang tính quyết định giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Samari:
– Khởi đầu, người phụ nữ mang gầu đến kín nước (c. 7); sau đó, cô bỏ lại gầu, chạy về làng loan báo Đức Kitô cho người khác (c. 28)
– Khởi đầu, Đức Giê-su nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị” (c. 10); và sau đó, “Đức Giê-su nói: Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (c. 26).
Trong các ân huệ của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi nhận ra, Đức Kitô là ân huệ lớn nhất, là ân huệ của mọi ân huệ. Vậy, chúng ta hãy ra khỏi mình để chiêm ngắm hành trình gặp gỡ Đức Kitô của người phụ nữ, bởi vì hành trình này sẽ soi sáng và hướng dẫn cuộc hành trình gặp gỡ Đức Kitô của riêng mỗi người chúng ta. Và khi chiêm ngắm, hãy chăm chú lắng nghe lời đối thoại, và đừng quên quan sát ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ… vì những điều này diễn tả cảm xúc, những chuyển động nội tâm. Bởi vì, đó là một cuộc đối thoại rất đặc biệt, đặc biệt ở mọi bình diện, chẳng hạn bình diện nam-nữ. Chính vì vậy, các môn đệ lấy làm kinh ngạc: “Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ”! (c. 27).
Cuộc đối thoại vô vàn phong phú và nhiều tầng lớp ý nghĩa: vừa rất nhân bản và vừa rất thiêng liêng; vừa đời thường vừa siêu vượt, vừa thực tại nhân linh và thực tại thần linh… Vì thế, chúng ta cần phân chia lời đối thoại ra nhiều bước để dễ ghi nhớ và “nghe được” ý nghĩa. Nhưng khi phân chia, chúng ta đừng quên kết nối các phần với nhau thành một hay nhiều hành trình; và ít nhất có ba hành trình đan xen vào nhau:
– Hành trình tỏ bày ngôi vị của Đức Giêsu cho người phụ nữ Samari.
– Hành trình tỏ bày ngôi vị của người phụ nữ cho Đức Giêsu.
– Hành trình nhận biết và trao đổi lòng tin giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.
Trong cầu nguyện, chúng ta có thể áp dụng phương pháp suy niệm: đi vào từng đoạn (còn gọi là điểm cầu nguyện), đọc từng câu và cố gắng ghi nhớ; dùng trí khôn Chúa ban để hiểu ý nghĩa (Lời Chúa thuộc bình diện ý nghĩa), và sau đó, cảm nếm điều mình hiểu hay để cho mình được Lời Chúa đánh động. Chúng ta được mời gọi bắt chước kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Mẹ: “hằng ghi nhớ mọi kỉ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).
I. “Người phải băng qua Samari” (c. 1-6)
“Ngài phải băng qua Samari”. Chúng ta có thể dừng lại để tự hỏi tại sao? Vì hành trình này của Đức Giêsu như là một “định mệnh”, hay đúng hơn thuộc về “kế hoạch cứu độ” của Thiên Chúa, như Đức Giê-su công bố và giải thích nhiều lần cách long trọng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều” (Mc 8, 31). Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã “phải băng qua” nhân tính và thế giới của chúng ta, để gặp gỡ loài người và từng người trong chúng ta. Và Người luôn “băng qua” các rào cản phân cách giữa thiên tính và nhân tính, nam và nữ, người sạch và người dơ, người khỏe và người bệnh, tội lỗi và công chính, Do Thái và người ngoại…, như Thánh Phaolo nói: trong Đức Ki-tô, không còn phân biệt nam hay nữ, tự do hay nô lệ, Do Thái hay dân ngoại nữa. Và trong mầu nhiệm Vượt Qua, Người sẽ băng qua chính đau khổ và sự chết, là rào cản tuyệt đối đối với thân phận con người, để gặp gỡ chúng ta và trao ban sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, cũng như trao ban chúng ta cho nhau trong Chúa.
Người vào thành Sykha, đến thủa đất ông Giacóp đã cho con ông là Giuse; nơi đó một cái giếng: “Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa”. Đó là một biến cố rất đời thường, nhưng qua đó lịch sử cứu độ được Đức Ki-tô làm cho hoàn tất: mặt trời tỏa sáng trọn vẹn chính là dấu chỉ. Thật vậy, ơn huệ giếng nước được truyền từ đời nọ sang đời kia, như người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này?”, để cho hôm nay, trở thành nơi hẹn gặp giữa Đức Ki-tô, Đấng đến để ban Nước Hằng Sống, và cho mọi người đến và tin vào người, không phân biệt, mà người phụ nữ Samari là đại diện.
Như thế, giếng nước Gia-cóp là một nơi chốn thật xác định, ghi dấu bao biến cố lịch sử và chất chứa bao kỉ niệm. Và tất cả như đã được chuẩn bị thật chu đáo, từ trước rất lâu và một cách nhưng không cho một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ đổi đời của người phụ nữ Samari với Chúa.
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhớ lại những nơi chốn, nơi đó diễn ra những biến cố có tính quyết định cho cuộc đời và ơn gọi của chúng ta; và chúng ta được mời gọi xác tín, rằng qua những biến cố này, chính Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Và để đến gặp gỡ, bày tỏ, trao ban, biến đổi, mời gọi chúng ta, Chúa đã phải băng qua những gì? Những gì thuộc gì thuộc về Chúa (trời cao, thiên tính…), những gì thuộc về chúng ta (nhân tính, thân phận, nhỏ bé, giới hạn, bất xứng…), những gì hiện hữu giữa chúng ta và Chúa (không gian, luật lệ, phong tục, dư luận…)? Chúng ta hãy làm mới lại những cuộc gặp gỡ với Chúa đã xẩy ra trong cuộc đời chúng ta, và xin Chúa cho chúng ta có lòng khát khao cuộc gặp gỡ như thế này với Chúa, nghĩa là như cuộc gặp gỡ của Chúa với người phụ nữ Samari.
II. Đức Giêsu và Người Phụ Nữ Samari (c. 7-30)
1. “Ông là người Do Thái” (c. 7-15)
Đức Giêsu đi đường mỏi mệt và ngồi bệt xuống bờ giếng, lúc đó là mươi hai giờ trưa. Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao Chúa lại “đi loay quanh cho đời mỏi mệt” ? Chúng ta hãy nhìn ngắm người phụ nữ, một mình từ trong thành đi ra, giữa trưa, mang theo gầu đến giếng để kín nước. Hẳn là chị có nhu cầu về nước uống, nhưng chị còn có những vấn đề gì, những khao khát nào, những cảm xúc ra sao. Chúng ta hãy đồng cảm với chị, vì đôi khi chúng ta cũng có “những bước chân âm thầm” như thế. Đức Giêsu sẽ đồng cảm với chị. Ngài đã ngồi sẵn ở bờ giếng, như chờ đợi chị từ bao giờ, thậm chỉ từ thủa nào, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa. Nhưng ở đây, Ngài chẳng có gì là phi thường hay lạ thường cả, còn ngược lại là khác: Ngài là người Do Thái, Ngài đi đường mỏi mệt và khát nước, và cả đói bụng nữa, vì các môn đệ phải đi mua thức ăn (c. 8; 31).
Và chính Đức Giêsu gợi chuyện, và gợi chuyện khởi từ cơn khát thật sự của mình, gợi chuyện khởi từ khả thể trao ban thật sự của người phụ nữ: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Như thế, hành trình ban Nước Hằng Sống và tỏ bày ngôi vị thần linh của Đức Ki-tô khởi đi từ lựa chọn: Người “mặc lấy thân phận” của người phụ nữ, như đã mặc lấy thân phận con người nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, bởi lẽ Ngài cũng cần nước để sống, như là người phụ nữ. Ơn gọi của chúng ta cũng bắt đầu như thế đó: ở khởi điểm, Chúa luôn cần và xin chúng ta một điều gì đó, nhưng chính là để từ từ bày tỏ ngôi vị tuyệt vời của Ngài cho chúng ta và làm thỏa lòng khao khát sâu thẳm nhất của chúng ta. Phản ứng tức thời của người phụ nữ là nêu ra trở ngại, một trở ngại thật lớn, vì liên quan đến hai cộng đồng:
Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi,
một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao ?
Các môn đệ cũng sẽ có cùng một phản ứng (c. 27). Chúng ta cũng có vô vàn những trở ngại để đón nhận lời ngỏ của Chúa nhằm thiết lập tương quan với chúng ta. Nhưng Đức Giêsu, Ngài gợi chuyện để đi vào tương quan với người phụ nữ bất chấp những rào cản, tục lệ, cấm kị, và nhất là bất kể chúng ta là ai, nam hay nữ. Đức Giêsu là như thế, không để mình bị nhốt vào trong bất cứ một khuôn khổ nào, một biên giới nào, một luật lệ nào, một cơ chế nào. Lời xin của Đức Giêsu làm kinh ngạc người phụ nữ. Cũng vậy đối với chúng ta, mỗi khi Chúa ngỏ lời; và sẽ luôn luôn là như vậy.
Chúng ta được mời gọi dừng lại thật lâu ở giai đoạn này, vì đó là hành trình thiêng liêng mà Đức Giê-su muốn dẫn đưa người phụ nữ đi vào, và đó cũng chính là hành trình thiêng liêng của chính chúng ta: nhận ra những ân huệ của Thiên Chúa ban cho loài người và cách riêng cho mỗi người chúng ta; nhận ra Đức Kitô là ai ngang qua lời nói và hành động của Ngài; nhận ra Đức Kitô chính là ân huệ lớn nhất và tuyệt vời nhất, nhận ra Thiên Chúa trao ban chính mình nơi Đức Kitô cho chúng ta: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị.”
Đức Giêsu ngỏ lời xin, nhưng không phải để nhận, mà là để trao ban; và điều Ngài muốn trao ban vượt xa vô hạn cái Ngài xin: Ngài xin chút nước uống, nhưng là để ban “Nước Hằng Sống”. Trong cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta hiểu sâu sa Nước Hằng Sống mà Chúa muốn ban cho chúng ta là gì, và cho chúng ta nhận ra rằng lòng ước ao Nước Hằng Sống có ở nơi mỗi người chúng ta cách sâu thẳm, dù ý thức hay không ý thức. Chúng ta cần chú ý đến chiều kích nhưng không của ân huệ: chị sẽ xin và Ngài sẽ ban. Bởi vì, Chúa chỉ cần lòng ước ao thôi. Chúng ta được dựng nên với sự sống hữu hạn, chính là để ước ao sự sống vô hạn; và khi ước ao, thì Chúa sẽ ban. Đó chính là lí lẽ của Tình Yêu. Đức Giêsu sẵn sàng ban Nước Hằng Sống cho người phụ nữ ngay lúc Ngài đang khát và cả đói nữa ! Mầu nhiệm Thập Giá đã hiện diện ở đây rồi; thật vậy, trên đồi Can-vê, chính lúc Ngài đang hấp hối, lại là lúc Ngài trao ban sự sống viên mãn: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).
Đức Giêsu đề nghị chị xin Ngài, nhưng chị chưa chịu xin, chị chất vấn cái đã; chị chưa chịu xin, vì chị chưa hiểu điều Ngài nói, và nhất là ngôi vị của Ngài. Như lúc đầu, chị nêu ra những khó khăn, những thắc mắc. Những khó khăn và thắc mắc này rất khách quan, không thể phủ nhận được: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống”.
Nếu chị hiểu nước Đức Giê-su muốn cho là nước giếng, những khó khăn này là tất yếu. Điều này cũng đúng đối với những nhu cầu khác của chị. Như Dân Chúa đi trong sa mạc dưới sự hiện diện của Đức Chúa, nhưng chỉ đi tìm thỏa mãn nhu cầu: “Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” (Ds 21, 5) Rốt cuộc, họ tìm gì khi bỏ Ai Cập ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa dưới sự hướng dẫn của Mô-sê ? Nếu con tim của họ chỉ hướng về việc thỏa mãn những nhu cầu của mình thôi, thì tất yếu đến một lúc nào đó, họ sẽ mất kiên nhẫn. Bởi vì nhu cầu thì không có cùng tận. Trong hành trình đi theo Đức Giêsu trong một ơn gọi, ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, nếu chúng ta không vượt qua bình diện nhu cầu để đi vào bình diện ước ao, chúng ta cũng sẽ chất vấn, kêu trách và cuối cùng bỏ Chúa, để đi thờ ngẫu tượng.
2. “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (c. 16-26)
a. Vấn đề đời tư (c. 16-19)
Chính lúc chị ngỏ lời xin điều Chúa muốn ban, thì Đức Giê-su lại chuyển đề tài. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Ngài lại chuyển để tài và lại chuyện sang một đề tài rất tế nhị, đụng chạm đến vết thương lòng của chị ? Trong cầu nguyện, chúng ta hãy cố gắng tìm ra câu trả lời cho mình. Bình thường, người phụ nữ có thể bỏ đi khi Đức Giê-su đụng đến chuyện riêng của chị. Đức Giê-su đã hiện diện và gợi chuyện với ánh mắt và cử chỉ như thế nào, làm cho chị lưu lại, thay vì giận dữ bỏ đi?
Đức Giê-su gợi ra vấn đề riêng tư và thâm sâu, bởi vì điều chị xin ơn vẫn thuộc bình diện như cầu và nhằm để thỏa mãn nhu cầu. Nhu cầu dù quan trọng nhưng nông cạn, không đụng đến trọn vẹn bản thân và không bền vững, trong khi ơn Chúa muốn ban thì tương xứng với lòng ước ao, ước ao sâu xa, liên quan đến toàn thể con người và bền vững; ơn Chúa ban đụng chạm, chữa lành và tái tạo chúng ta khởi từ mọi vấn đề, mọi ngóc ngách, mọi vết thương, mọi kinh nghiệm sống, mọi nhơ uế… nghĩa là tất cả những gì chúng ta là và có trong sự thật và một cách kín ẩn. Chính vì thế, chị đã công bố trong bình an và niềm vui với mọi người: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”! (c. 29).
Con người tự bản chất, có lòng ước ao; chẳng hạn, em bé không chỉ cần ăn uống cho no bụng, nhưng còn cần sự hiện diện và cần nghe những lời nói yêu thương. Vì thế, đằng sau lời nói của chị, rõ ràng chị có vấn đề kín đáo liên quan đến tương quan liên vị, đối tượng của lòng ước ao: “Để tôi hết khát (nhu cầu), và khỏi phải đến đây lấy nước”. Dường như, chị có những vấn đề nội tâm, làm cho chị không bình an với mình và với làng xóm. Đức Giê-su biết rõ quá khứ của chị và tâm hồn của chị. Nhưng cách Ngài thấu suốt không làm cho chị sợ hãi, nhưng ngược lại làm cho chị bình an và tin tưởng. Đức Giê-su khơi ra vết thương không phải để xét đoán và lên án, nhưng để chữa lành và chữa lành cách tận căn. Và quả thật như vậy, vết thương này sẽ được chữa lành, khi chị nhận ra Đức Kitô là ai và đón nhận Đức Kitô vào đời mình.
Ở bước này của cuộc đối thoại, chúng ta thấy có sự chuyển biến trong quá trình nhận ra căn tính của Đức Giê-su nơi người phụ nữ: từ một người Do Thái bình thường đến vị ngôn sứ:
Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.
b. Vấn đề cộng đồng (c. 20-26)
Ở bước này của cuộc đối thoại, chính người phụ nữ đã chuyển đề tài: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Vấn đề thờ phượng, vốn là vấn đề niềm tin rất thiết yếu đối với tương quan giữa hai cộng đồng Samari và Giuđa. Như thế, Đức Giêsu đã thành công, Ngài gợi mở để chúng ta vượt qua bình diện nhu cầu, ở đây là nước giếng, để chúng ta giãi bày, giãi bày những gì thuộc chiều sâu của tâm hồn, giãi bày những suy nghĩ, những trăn trở, những thắc mắc. Và đó là những vấn đề không chỉ của riêng chị, nhưng của cả nhóm, cả cộng đồng nữa. Chúng ta được mời gọi nhìn thấy mình trong chị; đâu là những vấn đề của cộng đoàn, của Giáo Phận, của Giáo Hội, của Xã Hội mà chúng ta quan tâm và đi tìm ánh sáng nơi Lời Chúa, nơi ngôi vị của Chúa, nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Ngài.
Trong câu trả lời, Đức Giê-su mặc khải cho người phụ nữ một bước ngoặt quyết định trong lịch sử cứu độ: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này (Garizim) hay tại Giê-ru-sa-lem… Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đâygiờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Trong cầu nguyện, chúng ta hãy suy niệm để nhận ra sự khác biệt này: thế nào là thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật? Để hiểu, chúng ta đừng quên, Đức Giê-su sau này sẽ nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Bởi vì căn tính của Đức Kitô được thể hiện ngang qua lập trường và mặc khài của Ngài, liên quan đến những vấn đề lớn con người: vấn đề thờ phượng Thiên Chúa, vấn đề lề luật (x. Bài Giảng Trên Núi, Mt 5-7, nhất là 5 phản đề: “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng, còn Thầy, Thấy nói với anh em…”), mà trung tâm là ngày sabat, vấn đề sáng tạo, vấn đề tội lỗi, sự dữ, sự chết, vấn đế cứu độ và cánh chung. Thật vậy, ngay sau khi người phụ nữ nói tới Đấng Messia (tiếng Do Thái), còn gọi là Đấng Ki-tô (tiếng Hi Lạp), cả hai có nghĩa là Đấng Thiên Sai, thì Đức Giê-su xác nhận:
Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.
3. “Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” (27-30)
Chúng ta không nghe được lời đáp của chị, bởi vì lời đáp của chị là một “tiếng nói của con tim”. Lời đáp trong sự thật của con tim luôn luôn là như thế, người ta chỉ có thể cảm được thôi, chứ không nghe bằng tai thể lý được; vì là tiếng lòng, nên phải được nghe bằng đôi tai của con tim. Nhưng chị diễn tả lời đáp của mình, vì lời đáp của con tim luôn cần được diễn tả bằng muôn vàn thái độ và cử chỉ tinh tế và nặng chĩu tâm tình. Ở đây cách diễn tả của chị là: “để vò nước lại, vào thành và nói với người ta…”.
Tại sao người phụ nữ lại nói: “Có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm”? (c. 29 và 39). “Mọi việc tôi đã làm”, nhưng thực ra, Đức Giê-su chỉ gợi ra mỗi một chuyện liên quan đến con đường tình duyên của chị thôi mà. Vậy câu này có nghĩa gì, nếu không phải là xác tín: Người đã đón nhận con người chị như chị là (quá khứ, hiện tại, tương lai; những kỉ niệm, những dấu vết, những vết thương…), bởi lẽ Chúa thuận lòng tỏ bày căn tính đích thật của mình ra cho chị.
III. “Người ở lại với họ”(31-42)
1. Hai “lương thực”
Các môn đệ đã đi mua thức ăn (c. 8), và bây giờ các ông trở lại (c. 27), đem thức ăn về và mời Đức Giê-su dùng (c. 31), nhưng Ngài trả lời “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Cũng như người phụ nữ Samari hiểu về “nước hằng sống” ở bình diện nhu cầu lúc ban đầu, các môn đệ hiểu “lương thực” mà Đức Giê-su nói đến ở bình diện vật chất; vì thế, các ông mới bàn tán với nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?”
Tương tự như nước uống và nước hằng sống, Đức Ki-tô đã sống bằng “lương thực đặc biệt”, đó là sống bằng tương quan với Chúa Cha, ngang qua việc thi hành ý muốn của Chúa Cha và hoàn tất công trình của Người. Thế mà, ý muốn và công trình của Chúa Cha là làm cho mọi người tin nơi “Đấng Ngài sai đến” (x. Ga 6, 29). Vì thế, Ngài đã sống bằng “lương thực đặc biệt” này, trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ. Lúc đầu, Ngài đã mệt, đói và khát; nhưng sau cuộc gặp gỡ và trao ban lòng tin, Ngài dường như không còn mệt, đói và khát nữa. Như thế, như chúng ta có kinh nghiệm, tương quan tin tưởng và trao ban có khả năng làm cho chúng ta no thỏa, không chỉ về thể lí nhưng là một cách trọn vẹn. Bởi vì, “Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng con bởi Lời Chúa nữa”. Bánh nhằm thỏa mãn nhu cầu, còn Lời Chúa kết nối chúng ta với Chúa và với nhau nhằm thỏa mãn lòng ước ao, bởi vì chúng ta còn sống bằng tương quan liên vị, tin tưởng và tình yêu nữa.
2. Hai “mùa gặt”
Sau khi nói về “lương thực đặc biệt”, Đức Giê-su chuyển sang đề tài mùa gặt! Bởi vì, mùa gặt mang lại lương thực! Và tương tự như nước uống và lương thực, có cũng hai mùa gặt: mùa gặt thóc lúa và mùa gặt đức tin. Chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức Giê-su để nhận ra sự khác biệt của mùa gặt đức tin so với mùa gặt thóc lúa: chín sớm, hiệp thông giữa kẻ gieo và người gặt, người gặt được thụ hưởng trọn vẹn cách nhưng không.
3. Đức Giê-su và những người Samari
Cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su và người phụ nữ không đóng kín, nhưng mở ra với những người khác cùng một làng. Và cũng như vậy đối với kinh nghiệm gặp gỡ của chúng ta với Đúc Ki-tô, đó là hành trình nghe lời chứng và gặp gỡ đích thân: chúng ta đã nghe, đến lượt chúng ta gặp gỡ đích thân, để trở thành chứng nhân như người phụ nữ Samari. Đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi dâng hiến, là trở thành chứng nhân về niềm vui khôn tả gặp gỡ Đức Kitô và cả gặp gỡ nhau trong Chúa nữa. Nghe lời chứng của người phụ nữ, những người Samari đích thân đến gặp Ngài và xin Ngài ở lại; đó chính là biểu hiện của lòng ước ao, có đối tượng là sự hiện diện; tương tự như hai môn đệ Emmau ước ao Người Khách lạ lùng lưu lại với mình (Lc 24, 29)
* * *
Lúc đầu, Đức Giê-su chỉ muốn đi băng qua Samari, nhưng để đáp lại lòng ước ao của những người tin nơi Ngài, Ngài đã ở lại. Ngang qua Lời và Mình Máu Thánh của Ngài, Ngài mãi mãi ở lại với chúng ta và chúng ta được mời gọi mãi mãi ở lại trong Ngài, như cành nho gắn liền với thân nho (x. Ga 15, 1-17).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc