TIN MỪNG (Mt 26, 14 – 27, 66)
Khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, chúng ta đã nghe được những lời nói gây kinh ngạc, thán phục và đầy quyền năng của Ngài. Nhưng trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, Ngài hầu như chẳng nói gì cả, Ngài im lặng. Nhưng chính lúc Ngài im lặng, im lặng ngay ở giữa cơn lốc tố cáo, phản bội, lên án, thóa mạ, sỉ nhục, la ó đòi mạng, Ngài lại nói cho chúng ta nhiều nhất. Vậy, khi chiêm ngắm Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, xin cho đôi mắt của chúng ta biết lắng nghe, lắng nghe “Lời Nói của Thập Giá”, đầy sức mạnh và khôn ngoan, như thánh Phao-lô nói (1Cr 1, 18).
Tuy vậy, trong cuộc Thương Khó, Ngài cũng nói, nhưng rất ít và rất ngắn. Và chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nói cuối cùng của Ngài, bởi lẽ lời cuối của Ngài, như lời cuối của bao người, là lời tha thiết nhất. Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh:
– không phải là một lời nói chưa từng ai nói;
– cũng không là một lời nói quyền năng “biến đá thành bánh”, tự làm cho mình thoát khỏi sự bách hại, đau đớn và cái chết nhục nhằn của Thập Giá,
– và cũng chẳng phải là một lời nói khôn ngoan, mặc khải ý nghĩa tận cùng thân phận con người, của khổ đau và của sự chết.
Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh là một lời nguyện Thánh Vịnh:
Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con?[1]
(Tv 22, 2; Mt 27, 46 ; Mc 15, 34)
Đó là một lời nguyện, đã từng được thốt lên bởi biết bao nhiêu người đau khổ có trước Đức Giê-su, bởi biết bao nhiêu người đau khổ có sau Đức Giê-su, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, đã bước qua sự chết; và chắc chắn, cũng sẽ là của mỗi chúng ta, vào giờ phút thử thách tận cùng nhất, tận căn nhất của một đời người.
Đó là một lời nguyện, không phải nói về vinh quang, nhưng là một lời nguyện bày tỏ tình cảnh bị bỏ rơi của mình; không phải chỉ bởi kẻ thù, cũng không phải chỉ bởi những người thân hay bạn bè, nhưng là bởi chính “Thiên Chúa của con”, Thiên Chúa mà con yêu mến, Thiên Chúa mà con thuộc về tử thủa sơ sinh: “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22, 10-11), Thiên Chúa mà con đã dâng hiến trọn cả cuộc đời để ca tụng và phục vụ.
Đó là lời nguyện, không phải mặc khải cho loài người chúng ta lí lẽ tận cùng của thân phận con người, của khổ đau, của sự chết và của sự dữ, nhưng là lời nguyện chất vấn chính Thiên Chúa Tạo Thành: “Tại sao”?
Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con?
* * *
Vậy thì con gì nữa, thuộc thân phận con người, thuộc đời người, thuộc số phận của chúng ta, và ngay cả tâm tình bị bỏ rơi bởi Thiên Chúa của mình, mà Đức Ki-tô đã không mang lấy?
Như thế, nơi lời kêu cầu của Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã nhận mọi lời nguyện kêu cầu trong đau khổ và thử thách của loài người, của từng người chúng ta làm của mình, để ôm ấp, để chia sẻ, để an ủi, để thương cảm, để bao dung, trước khi đáp lại nơi niềm vui của Đức Ki-tô phục sinh, để dẫn đưa tất cả chúng ta vào cung lòng Tình Yêu và Sự Sống vô biên của Thiên Chúa.
______________________
[1] “Eli, Eli” (Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con; bản dịch của Nhóm CGKVP: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa”). Đại từ sở hữu của con, được sử dụng ở đây và trong rất nhiều lời nguyện khác, ngay trong tính đơn sơ của nó, dấu ẩn một bí mật, có thể sánh với bí mật của tên riêng. Ai trong chúng ta cũng biết ngay rằng nó là một hạn từ của tình yêu, bằng chứng là cả người nói lẫn người nghe đều xao động! Ngoài ra, nó còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong bối cảnh Kinh Thánh. Thực vậy, cách nói này dựa trên những hạn từ được dùng để phát biểu giao ước: Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Tuyên xưng Thiên Chúa của con, chính là dựa vào lời này: YHWH là Thiên Chúa của con, vốn là câu nói được xem như mật khẩu của giao ước. Còn đối với chúng ta, tiếng gọi âu yếm Thiên Chúa của con trở nên tròn đầy bởi thực tại của phép rửa, vốn là giao ước của chúng ta và vì thế, mang lại cho chúng ta quyền được gọi tên Thiên Chúa và nói: Ngài chính là Thiên Chúa của con.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc