Lịch sử cứu độ và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô – Thứ Bảy Tuần Thánh (Ngày 08 tháng 4 năm 2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Thập Giá thường được hiểu tách biệt khỏi Mầu Nhiệm Vượt Qua, nên bị giản lược vào những đau khổ (nhưng điều xẩy ra cho mình) hay vào những hi sinh, khổ chế, hãm mình và “đền tội” (những điều tự tạo cho mình), hoặc như là bài “kiểm tra, kiểm nghiệm, trắc nghiệm” sự xứng đáng hay khả năng chịu đựng, chịu “sỉ nhục và khiêm nhường”, để được thưởng “vinh quang”.
Trong khi đó, Đức Giê-su nói về Thập Giá của mình là mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa:
Khi các ông dương cao Con Người lên,
bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu. (c. 28)
Chính vì thế, theo lời kể của Thánh Sử Mác-cô, Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước; điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, hay “phải chịu đau khổ, mới đạt tới vinh quang”, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải, một sự hoàn tất liên quan đến lịch sử cứu độ:
Rồi Người bắt đầu DẠY cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (Mc 8, 31)
(a) Nơi Thập Giá, Đức Giê-su bày tỏ căn tính đích thật của Người, là “Đấng Hằng Hữu”, vì Người là Sự Thiện tuyệt đối, đối lập với sự dữ và tất cả những gì liên quan đến sự dữ: bạo lực, tố cáo, lên án… Chúng ta thường hình dung cách dễ dãi Sự Thiện và Sự Dữ “tố cáo” lẫn nhau; trong khi “tố cáo” tự nó là điều dữ, là hành động đặc trưng của Sự Dữ.
Thập Giá cũng mặc khải cách thức Người mạnh hơn sự dữ và sự chết. Sự Thiện chiến thắng Sự Dữ, không chỉ là khi vượt qua sự chết đi vào sự sống, nhưng còn là sự tự do, không để mình rơi vào vòng xoáy của bánh răng cưa Sự Dữ, theo quy luật sòng phẳng “mắt đền mắt, răng đền răng”, “ác giả ác báo”.
(b) Thập Giá là cách thức Đức Ki-tô bày tỏ “TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG” (x. Ga 13, 1) dành cho loài người và từng người chúng ta. “Tình yệu đến cùng” của Người tha thứ, chữa lành và giải thoát chúng ta. Như Thánh Phao-lô xác tin: “Không có gì Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8, 39).
(c) Thập Giá không phải là “ngỏ cụt”, chỉ để thưởng phạt hay thi thố khả năng hãm mình, hi sinh, chịu đựng và các “nhân đức”, nhưng là con đường “vượt qua” dẫn đến sự sống. Sự sống mai sau, nhưng đã hiện diện và sinh hoa kết quả đồi dào, ngay trong sự sống này.
Như thế, điều tồi tệ nhất loài người dành cho Đức Giêsu, nhưng lại được Ngài dùng để bày tỏ căn tính đích thật của mình trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Bài đọc I của Thánh Lễ hôm nay, trích sách Dân Số, ngang qua hình ảnh Con Rắn, còn giúp chúng ta hiểu sâu rộng hơn về mầu nhiệm “Con Người được giương cao” trên Thập Giá trong tương quan toàn bộ lịch sử cứu độ.
* * *
Đức Ki-tô đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo “Ý Muốn của Chúa Cha” (x. Mc 14, 36). “Kế hoạch hay ý muốn của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách, sách Kinh Thánh:
Để cho Kinh Thánh được hoàn tất. (Ga 13, 18; 15, 25; 19, 24.28.36)
Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh. (1Cr 15, 3-4)
Nhưng Kinh Thánh là những cuốn sách “biết nói”, bởi vì từng trang sách của Kinh Thánh qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Người thiết lập cho Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.
Theo Thánh Vịnh 136, Kinh Thánh được hình thành bởi hai chiều kích căn bản: Sáng Tạo (c. 4-9) và Lịch Sử (c. 10-24); và cả hai đều hướng đến ơn huệ “Tấm Bánh” (c. 25). Hai chiều kích này hiện diện từ “thủa tạo thiên lập địa” và trong mỗi ngày sống của chúng ta. Lịch sử của dân tộc Israel là “Lịch Sử Cứu Độ”, được ghi chép lại thành bộ sách gồm ba phần chính và ba phần này đại diện cho toàn bộ Kinh Thánh, như chính Đức Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh long trọng tuyên bố:
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hi-lạp: như đã được viết): Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. (Lc 24, 44-46)
* * *
Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh; Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp này sẽ làm cho “con tim chúng ta bừng cháy” (x. Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).
Như thế, tầm mức mầu nhiệm “Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha” không chỉ là làm cho ứng nghiệm một vài câu được lọc lựa trong Kinh Thánh, hay không chỉ dừng lại ở mức độ: thử luyện đau khổ-xứng đáng-ban vinh quang theo qui trình thưởng/phạt hay tương quan “sòng phẳng” của Lề Luật (Lề Luật thì “tốt và thánh”, nhưng bị Sự Dữ sử dụng như phương tiện để phát huy hết sức mạnh hủy diệt !), hoặc ý định thử thách, kiểm chứng hay kiểm nghiệm lòng kiên trì, chịu khổ, chịu thương chịu khó của người đi theo Chúa (Lề Luật thì “tốt và thánh”, tuy nhiên Sự Dữ gieo vào lòng con người thái độ chết chóc: “nghi ngờ, không tin, nên thử để biết”).
* * *
Mầu nhiệm “Đức Ki-tô hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo Ý Muốn của Chúa Cha” có tầm mức TOÀN BỘ KINH THÁNH.
– Phần 1. Mầu nhiệm Vượt Qua và Lề Luật: Con Rắn và Lệnh Truyền (St 3); Tv 19; Tội và Lề Luật (St 3 và Rm 7, 7-13), Đức Ki-tô và Lề Luật (Mt 5, 17-48 và Mc 3, 1-6; Ga 8, 2-12…).
– Phần 2. Mầu Nhiệm Vượt Qua và Ngôn Sứ: Đức Ki-tô, “NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ” (Is 53, 2b-12).
– Phần 3. Mầu Nhiệm Vượt Qua và Thánh Vịnh.
* * *
Phần 1
Mầu nhiệm Vượt Qua
và Lề Luật
Chương 1
CON RẮN và LỆNH TRUYỂN:
“Có thật Thiên Chúa bảo:
CÁC NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC ăn”
TIN MỪNG (St 2, 16-17; 3, 1-7)
16 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn;17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.”
1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?
2 Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.”
4 Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”
6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.
7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
******
1. Tội là vi phạm lệnh truyền. Nhưng tại sao vi phạm? Chúng ta có thể có những câu trả lời của chúng ta, dựa trên sự hiểu biết và kinh nghiệm. Nhưng chúng ta hãy để cho Lời Chúa, trong bản văn Kinh Thánh này, mặc khải cho chúng ta lý do sâu sa, hay đúng hơn “yếu tính”, của tội, của mọi tội, trong đó có tội của chúng ta, ngang qua hành vi biểu tượng “ăn trái cấm”. Không phải để lên án chúng ta, hay tự lên án mình và lên án nhau (bài đọc SỰ DỮ: hành vi tiêu biểu của Sự Dữ là lên án), nhưng để chữa lành và giải thoát chúng ta.
Thật vậy, chính khi Lời Chúa mặc khải yếu tính của “Tội Nguyên Tổ”, nghĩa là của mọi tội, trong đó có tội của chúng ta, là “QUÊN ƠN HUỆ”, là đã chữa lành chúng ta rồi! Tương tự như chữa bệnh.
2. Khi nói về Tội Nguyên Tổ, “người ta” hay có khi chính chúng ta nữa, luôn lên án con người, nhưng Lời Chúa nói về tội nguyên tổ, trong St 3, 1-7, không lên án con người, hay ít nhất không đổ hết trách nhiệm cho con người, bởi vì nguyên nhân khởi đầu là Con Rắn: “Con Rắn lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Chính vì thế, lời tuyên án của Thiên Chúa dành cho Con Rắn là nặng nề nhất.
* * *
Chúng ta hãy tiếp tục đọc lại đời mình và chúng ta được mời gọi nhớ lại những thiếu sót, lầm lỗi và cả tội lỗi nữa của chúng ta, nhưng không nhìn tội của chúng ta với cái nhìn của mình, nhưng với cái nhìn của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta đến cùng nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để đón nhận “ƠN THA THỨ và CHỮA LÀNH”, để tuyên xưng lòng thương xót của Chúa, để ca tụng và yêu mến Chúa hơn.
Chính vì thế, để kết thúc giờ cầu nguyện, chúng được mời gọi tâm sự với ĐỨC KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH.
* * *
I. Chuẩn bị
– Kinh nguyện
- Hiện diện: tôi, như tôi là vào lúc này và với tất cả con người thật của mình, ước ao đi vào tương quan với Chúa, Đấng đang hiện diện nơi kín ẩn (Mt 6, 6). Có thể làm một cử chỉ để diễn tả.
- Kinh dọn lòng: xin ơn Thiên Chúa cho tất cả ý chí, hành vi và hoạt động của tôi hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn.
– Bản văn Kinh Thánh: đọc lại và cố gắng ghi nhớ trình thuật Tin Mừng (nên sử dụng tối đa trí nhớ).
– Khung cảnh: Vườn Eden, nơi chốn của ơn huệ (tất cả trái cây trong vườn người cứ ăn) và cũng là nơi chốn của thử thách (sứ mạng cầy cấy, canh giữ và nhất là lệnh truyền, tượng trưng cho mọi giới hạn, thiếu thốn… thuộc về thân phận con người).
– Ơn xin:
- Xin cho chúng ta nhận ra con người thật và cuộc đời thật của chúng ta, nhưng không phải theo cái nhìn của chúng ta, nhưng dưới ánh sáng lời Chúa và với nhiều chuyển động nội tâm (kinh ngạc, xúc động, cảm mến…).
- Xin củng cố lòng tin của chúng ta, vì Chúa nói: “lòng tin của con đã cứu con”; tin nơi tình thương và lòng thương xót của Chúa, tha thứ và chữa lành chúng ta.
- Xin tình yêu và thương xót của Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô, khơi dạy nơi chúng ta lòng biết ơn, ước ao đáp trả, tâm tình yêu mến và ca tụng, bằng cuộc đời của chúng ta và bằng hành trình đi theo Chúa trong ơn gọi.
II. Lắng nghe
1. Lệnh truyền (St 2, 16-17)
a. Ơn Huệ: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn”
b. Điều cấm: “Người không được ăn…”
2. Vi phạm lệnh truyền (St 3, 1-6)
* * *
Hành vi vi phạm đến từ “sự lừa dối” của con rắn (c. 13). Và con rắn “lừa dối” bằng lời (hai lời nói): sau lời thứ nhất, người phụ nữ nói lại, nhưng chỉ sau lời thứ hai, bà không nói lại, nhưng làm điều con rắn xúi dục: “Ngày nào ông bà ăn trái cây đó…”.
Như vậy, yếu tính của tội hiện diện trong lời của con rắn. Vậy con rắn đã nói gì và như thế nào làm cho con người bị lừa dối và làm điều Chúa không muốn? Và lời của con rắn đã gây ra những diễn biến nội tâm tâm nào, để dẫn đến hành vi vi phạm?
1. Lệnh truyền: “Hết mọi cây trong vườn, ngươi có thể ăn; nhưng…” (2, 16-17)
Lệnh truyền trong bản văn St 2 của chúng ta tương đương với sứ mạng thống trị thú tính, được diễn tả trong St 1, 28; Hc 17, 4 và Tv 8, 6-9); và chính trong mức độ con người thống trị thú tính, con người sống nhân tính của mình, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Để sống sứ mạng này, con người phải dựa vào kinh nghiệm về ơn huệ và tình yêu của Thiên Chúa.
Thực vậy, Thiên Chúa luôn ban ơn trước; và ở đây ngay trong lệnh truyền, ơn huệ cũng đi trước lệnh cấm. Đó chính cách hành động của Thiên Chúa trong sáng tạo và trong lịch sử cứu độ. Chiều kích nhưng không và quảng đại của ơn huệ còn được nêu bật bởi sự kiện: việc trồng vườn Eden và đưa con người vào đó, được mô tả như những ơn huệ “dư tràn”, chất thêm vào ơn huệ sáng tạo ra con người. “Cầm tay” con người và “dẫn vào” (2, 15): đó là một tiến trình gợi lại việc đưa dân được tuyển chọn vào Ðất Hứa. Chúng ta cũng có thể hiểu như vậy trong hành trình làm người, và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến.
Ở nguồn sự sống, luôn luôn là ân huệ nhưng không tuyệt đối; điều này đúng ở thời điểm sáng tạo và ở khởi đầu sự sống của chúng ta (x. Tv 139). Và chúng ta chỉ hiểu được và giữ được lệnh truyền và mọi thứ lề luật khác, khi nhận ra và ghi nhớ ân huệ sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận một cách nhưng không; nhận ra và ghi nhớ, chính là động lực để chúng ta đi vào và ở lại trong tương quan với Đấng ban ơn, để được tái sinh và đi vào chính lộ ngàn đời (Tv 139, 24). Vì ơn huệ và Người ban ơn huệ không thể tách rời. Chính trong và nhờ tương quan với Đấng ban ơn mà chúng ta quảng đại đón nhận, hiểu và giữ lệnh truyện và mọi thứ luật xuất phát trực tiếp và gián tiếp từ Thiên Chúa. Lệnh truyền là lời dặn dò của một người dành cho một người trong một mối tương quan liên vị: tương quan ân sủng, tương quan ân huệ, tương quan tình yêu nhưng không Chúa dành cho chúng ta, khi chúng ta chưa là gì.
Tại sao phải có lệnh truyền?
– Lệnh truyền: lề luật, con người không thể sống mà không có luật; nhưng trong thực tế con người luôn có vấn đề với lề luật: không giữ được luật, dùng luật như phương tiện đề dò xét và lên án.
– Lệnh truyền: giúp sống nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; để sống nhân tính, phải thống trị thú tính. Vì thế, tất cả lệnh truyền đều qui về lệnh truyền căn bản: ngươi không được ham muốn (Rm 7), bởi vì ham muốn và chiều theo lòng ham muốn, là sống theo thú tính
– Lệnh truyền: giới hạn của thân phận con người; con người được dựng nên với sự sống giới hạn, để khao khát sự sống vô hạn. Và khi khao khát, Thiên Chúa sẽ ban tặng. Quà tặng, nhất là quà tặng vô cùng quí giá là chính sự sống của Thiên Chúa, chỉ có ý nghĩa khi được trao ban cho một ngôi vị trưởng thành, biết tín thác, yêu thương, trung tín và có lòng khao khát.
Và chính trong tương quan với Chúa, Đấng ban ơn cách nhưng không, chứ không phải tương quan với luật này luật kia, mà chúng ta hiểu TỘI là gì.
Nếu lệnh truyền làm con người hiểu sai về Thiên Chúa, thì chính ở nơi Đức Ki-tô mà tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người được làm rõ và đạt tới mức tuyệt đỉnh: “Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?… Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 8, 32.39). Và Đức Ki-tô cũng làm rõ khởi điểm, nền tảng và cùng đích của mọi lệnh truyền là “lệnh truyền yêu thương”: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau, khơi đi từ kinh nghiệm sâu đậm và tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người và từng người nơi Đức Ki-tô.
2. Vi phạm lệnh truyền (c. 3, 1-6)
a. St 3, 1
Con rắn nói: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ?”“. Những chữ đầu tiên: “Có thật Thiên Chúa bảo: các ngươi không được ăn…” đã chứa đựng tất cả mánh khóe, sự xảo quyệt của con rắn. Thiên Chúa là Đấng nói: “không”; như thế, Thiên Chúa được trình bày cho ý thức của người phụ nữ như là người chuyên ngăn cấm. Con rắn trích lời của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã nói: các ngươi không được ăn”. Nhưng thực ra Thiên Chúa đã nói gì? Như chúng ta đã suy niệm về lệnh truyền: “Hết mọi cây trong vườn ngươi có thể ăn…” (2,16). Như vậy, Thiên Chúa đã nói điều hoàn toàn ngược lại với điều con rắn nói.
Dĩ nhiên, “ăn tất cả trừ một” và “không ăn được tất cả” là hai điều không mâu thuẫn, ít nhất trên bình diện luận lý. Nhưng trên bình diện tâm cảm và thực tế, đó là hai câu nói mâu thuẫn. Lời Thiên Chúa nhấn mạnh trên ơn huệ, vốn đã được thể hiện trong hành vi đặt Adam vào vườn Địa Đàng, sau khi ông được kéo ra từ bụi đất. Đối diện với câu “Ta ban cho ngươi tất cả, nhưng…”, con rắn nói: “Thiên Chúa ngăn cấm ông bà”. Năng động của lời Thiên Chúa bị con rắn đảo ngược lại hoàn toàn: điều cấm được đưa lên trước ơn huệ.
b. St 3, 2-3
Câu trả lời của người phụ nữ: “Trái các cây trong vườn, chúng tôi được ăn. Nhưng trái của cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã nói: các ngươi không được ăn và các ngươi không được đụng tới e rằng các ngươi sẽ chết”. Người phụ nữ nhấn mạnh bằng cách nói thêm: “các ngươi không được đụng tới”. Điều này có nghĩa gì? Vì động lực nào? Chúng ta có thể coi đó là bằng chứng của lòng nhiệt thành. Nhưng bên dưới lòng nhiệt thành này, ẩn dấu tâm trạng run sợ hoặc giận dỗi không bình an: thay vì giữ luật vì lòng mến, con người run sợ vì đó là điều cấm, gây tai họa hay án phạt nếu vi phạm; thay vì hiểu tốt và hiểu đúng về Đấng ban lệnh truyền, con người giận dỗi không bình an, vì con người tự nhủ: “Tại sao lại cấm ăn? Đụng tới hay nhìn ngắm, mình cũng không thèm!”
Chúng ta có thể nhận ra rằng người phụ nữ không giữ lại chữ “chắc chắn” đi trước bản án: “ Vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”; và từ này được đổi thành “kẻo”: “kẻo phải chết”. Xét về hình thức, bà đã chuyển mệnh đề tất yếu thành mệnh đề khuyến dụ! Như thế, thái độ chê ghét đối với hành vi xuất phát từ mối đe dọa hình phạt bao quanh hành vi, chứ không từ cái xấu mà mọi hành vi vi phạm chất chứa cách tự tại.
“E rằng” hay “kẻo”: cái chết tự tại trở thành cái chết được nhìn như là hình phạt. Chúng ta giữ giới răn thường là vì sợ bị phát hiện và bị hình phạt (chẳng hạn vượt đèn đỏ); khi không có ai, hay không có hình phạt, chúng ta “tới luôn”. Trong khi đó, “cái chết” hiểu theo nghĩa rộng, có ở ngay trong hành vi lỗi luật hay lỗi lời dặn hay lời thề: giết người, ngoại tình, không vâng lời cha mẹ, lỗi luật đời tu…
c. St 3, 4-5
Vì động lực sợ hãi chi phối người phụ nữ, nên con rắn sẽ khai thác chính điều đó: “ông bà sẽ không chết. Chính vì Thiên Chúa biết rằng ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa, biết điều tốt và điều xấu”. Đây là sự phủ nhận minh nhiên hậu quả, được chính Thiên Chúa công bố. Trở ngại gây ra sự sợ hãi đã bị dẹp bỏ bởi lời khẳng định này của con rắn.
Nhưng, dĩ nhiên, chỉ một lời khẳng định như lời khẳng định của con rắn có lẽ chưa mang lại sức nặng; còn phải đưa ra một lý do khiến con người không tin Thiên Chúa. Thực vậy, tất cả phụ thuộc vào sự tín nhiệm dành cho lý do liên quan đến Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói trái với sự thật: trái cây mang lại hiệu quả tuyệt vời, mà tại sao Thiên Chúa lại nói rằng, ăn vào thì chết? Tại sao Thiên Chúa “nói dối” con người? Trong lý do con rắn đưa ra, có sự hấp dẫn của cái biết: Thiên Chúa biết rằng… mắt ông bà sẽ mở ra. Như vậy, Thiên Chúa biết điều mà ông bà không biết; Thiên Chúa dấu điều gì đó, Thiên Chúa lừa dối. Điều này kích thích sự tò mò: tại sao Thiên Chúa lại lừa dối? Bởi vì “ông bà sẽ trở nên như Thiên Chúa”. Ở đây, có một điều được gỉa định như là hiển nhiên: Thiên Chúa không muốn con người trở nên như Thiên Chúa. Thiên Chúa ngăn cấm một hạnh phúc vô hạn, và Ngài đã che dấu lý do này: lý do của hành vi ngăn cấm chính là ý muốn giữ lấy cho mình bản tính thần linh và đặc quyền của mình.
d. St 3, 6
Nếu cuộc đối thoại đã chấm dứt, thì những gì xẩy ra vẫn cứ xẩy ra. Tác giả Kinh Thánh không cần phải nói với chúng ta rằng người đàn bà đã tin con rắn. Tác giả nói ngắn gọn bằng cách chỉ mô tả cho chúng ta kết quả của sự cả tin: “Người đàn bà thấy trái cây ăn chắc là thật ngon, nhìn hấp dẫn, đáng quí để hiểu biết”. Chúng ta thấy rằng lòng ham muốn đã bắt đầu phát sinh nơi người phụ nữ. Bây giờ chúng ta cũng hiểu được rằng lòng ham muốn dẫn đến hành vi vi phạm lệnh truyền không phải là đầu tiên; nó là hậu quả của cả một tiến trình biến đổi nội tâm: quên ơn huệ dẫn đến nghi ngờ Thiên Chúa:
Lệnh truyền khởi đi từ tương quan ơn huệ và tình yêu, nên tội không thể được hiểu là vi phạm lệnh truyền, nhưng có liên quan đến nhận thức và tâm tình của tôi dành cho Chúa, ngang qua ơn huệ và tình yêu của Người: con đắc tội với trời và với Cha. Vì thế, trong những ngày này: chúng ta không chỉ xét hành vi, nhưng còn nhận ra những động lực sâu kín của nội tâm, của tương quan thực sự giữa chúng ta và Thiên Chúa.
Con người, bởi sự xúi dục của ma quỉ, ghen tị với Thiên Chúa và ham muốn thiên tính của Ngài; nhưng Thiên Chúa, nơi Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, từ bỏ thiên tính để mang lấy nhân tính và sống nhân tính đến cùng như con đường dẫn đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Ph 2, 6-7)
Thủa ban đầu, “lệnh cấm ăn” (tượng trưng cho sự sống giới hạn và đầy thách đố và khổ đau), làm cho con người nghi ngờ Thiên Chúa; thì nay, mỗi ngày, Thiên Chúa nói với chúng ta nơi Đức Ki-tô: “Này là mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn”! Để chúng ta đừng nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa nữa.
3. Hậu quả và lời hứa chữa lành (c. 7)
“Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn”. Cách sa ngã của bà và của ông: bà như lá rơi, ông như cục đá; trong khi ông là người chịu trách nhiệm (vì thế ông là người bị tra vấn đầu tiên). “Khi đó, mắt của cả hai người mở ra và họ biết rằng mình trần trụi”. Nghĩa là trở nên giống con rắn. Điều này có nghĩa là, loài người chúng ta đã bị con rắn tiêm nọc độc vào người. Chính nọc độc gây chết chóc, chứ không phải Thiên Chúa phạt chết. Nhưng nọc độc là gì? Lời đối thoại của con rắn và người phụ nữ giúp nhận ra nọc độc. Nhận ra là đã được chữa lành rồi (tương tự như con rắn đồng bị treo lên cao trong Ds 21, 4-9).
Khi Đức Chúa hỏi tới, người phụ nữ đáp: “Con rắn lừa dối con nên con đã ăn”, con người bị sự dữ, vốn mạnh hơn con người, lừa dối. Vì thế con người đáng thương hơn là đáng phạt. Hình phạt nếu có, đã hàm chứa ngay trong hành vi vi phạm rồi. Và Thiên Chúa thì mạnh hơn sự dữ. Lời hứa cứu độ được ban cho Người Phụ Nữ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” Con rắn cắn gót, nguy hiểm nhưng còn chữa lành được; nhưng con rắn bị đập nát đầu, thì vô phương cứu chữa.
* * *
Con rắn đã dựa vào lệnh truyền Chúa ban để làm cho con người quên ơn và nghi ngờ Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói, Thiên Chúa cũng có trách nhiệm, như thánh Phao-lô đã suy tư:
Thật vậy, tôi đã chẳng biết ham muốn là gì, nếu Luật không dạy: Ngươi không được ham muốn. Tội đã thừa cơ, dùng điều răn mà làm nảy sinh trong tôi đủ thứ ham muốn. Thật vậy, không có Lề Luật thì tội đã chết rồi. Xưa kia, không có Luật thì tôi sống; nhưng từ khi có điều răn thì tội bắt đầu sống, còn tôi thì chết.
(Rm 7, 7-10)
Vì thế thánh nhân nói, và chỉ có ngài mới dám nói ra điều này: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không tuân phục, để thương xót mọi người”! (Rm 11, 32)[2]. Và nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa vừa bày tò lòng thương xót, vừa chữa lành và vừa chiến thắng Sự Dữ.
III. Tâm sự với Đức Ki-tô chịu đóng đinh và kết thúc với kinh Lạy Cha.
Mầu nhiệm Vượt Qua
và Lề Luật
Chương 2
LUẬT và TỘI
TIN MỪNG (Rm 7, 7-13 và St 3, 1-7)
7 Vậy phải nói sao? Lề Luật là tội chăng? Không phải thế! Nhưng tôi đã chẳng biết tội là gì nếu không có Lề Luật. Thật vậy, tôi đã chẳng biết ham muốn là gì, nếu Luật không dạy: Ngươi không được ham muốn.8 TỘI đã thừa cơ, dùng điều răn mà làm nảy sinh trong tôi đủ thứ ham muốn. Thật vậy, không có Lề Luật thì TỘI đã chết rồi.
9 Xưa kia, không có Luật thì tôi sống; nhưng từ khi có điều răn thì TỘI bắt đầu sống,10 còn tôi thì chết. Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết.11 Quả thế, TỘI đã thừa cơ, dùng điều răn để quyến rũ tôi và cũng dùng điều răn đó để giết tôi.
12 Như vậy, Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt.13 Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính TỘI đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, TỘI để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKVP)
******
1. Lề Luật và TỘI/Con Rắn (c. 7-8)
2. Lề Luật, TỘI/Con Rắn và sự chết (c. 9-11)
3. TỘI để lộ chân tướng (c. 12-13)
* * *
– Khung cảnh: vườn Eden
– Ơn xin:
- Xin ánh sáng của Lời Chúa làm cho chúng ta nhận ra khuôn mặt thật của Con Rắn và cách hành xử của Con Rắn, mà thánh Phao-lô gọi là TỘI, ở khắp nơi, bên trong cũng như ở bên ngoài chúng ta. Vì khi nhận ra, chúng ta đã bước vào hành trình được chữa lành rồi.
- Xin Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ trong tương quan với Luật. Và vì Luật thuộc về Kinh Thánh và là một trong những yếu tố thiết yếu hay nền tảng làm nên Kinh Thánh, xin cho chúng ta hiểu Luật loan báo Đức Ki-tô và được Đức Ki-tô hoàn tất (x. Mt 5, 17 và Lc 24, 44).
* * *
Khi nói về Tội Nguyên Tổ, “người ta” hay có khi chính chúng ta nữa, luôn lên án con người, nhưng Lời Chúa nói về tội nguyên tổ, trong St 3, 1-7, không lên án con người, hay ít nhất không đổ hết trách nhiệm cho con người, bởi vì nguyên nhân khởi đầu là Con Rắn. Chính vì thế, lời tuyên án của Thiên Chúa dành cho Con Rắn là nặng nề nhất. Và vì Con Rắn dựa vào lệnh truyền để làm cho con người quên ơn, nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa và tức khắc ham muốn thần tính của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa cũng có trách nhiệm. Vì thế, con người đáng thương hơn là đáng phạt. Hình phạt nếu có, đã hàm chứa ngay trong hành vi vi phạm rồi. Như thánh Phao-lô nói: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không tuân phục, để thương xót mọi người” (Rm 11, 32). Và nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa vừa bày tò lòng thương xót, vừa chữa lành và vừa chiến thắng Sự Dữ.
Và đó là mặc khải đến từ Thiên Chúa, giải thoát chúng ta khỏi sức nặng trách nhiệm hoàn toàn trong tội nguyên tổ, và vì thế trong mọi tội. Chúng ta hãy cảm nếm ơn giải thoát khỏi “mặc cảm tội lỗi” và sự bình an, khi Lời Chúa giúp chúng ta hiểu về tội như thế, tội nguyên tổ và ngang qua tội nguyên tổ, tội của loài người và từng người chúng ta. Đúng là chúng ta có những hành động lỗi phạm lề luật và giao ước, nhưng Lời Chúa mặc khải cho chúng ta những nguyên nhân sâu xa và ẩn khuất, mà chính chúng ta không thể làm chủ được. Trong trong tội, con người vừa là tác nhân và vừa là nạn nhân.
Chúng ta hiểu mặc khải của sách Sáng Thế về Tội như thế là nhờ sự hiểu biết thâm sâu của Thánh Phao-lô. Thực vậy, khi nói về Tội, thánh Phao lô đã biện hộ cho con người, khi làm rõ nguyên nhân đầu tiên, ở bên ngoài con người và mạnh hơn con người: đó là con rắn, mà ngài gọi đích danh là TỘI, như người phụ nữ nói: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Trong Rm 7, 7-13, Tội là một “nhân vật”; vì thế, khi suy niệm, chúng ta cần phân biệt: “TỘI” như là nhân vật (Con rắn theo St 3, và Satan theo Kh 12), và “tội” như hành vi lỗi phạm.
1. Lề Luật và TỘI/Con Rắn (c. 7-8)
Thánh Phao-lô nói về tương quan giữa Luật và Tội. Có luật mới có tội[3], và “Con Rắn”, mà thánh Phao-lô gọi là TỘI, nghĩa là Satan hay Ma Quỉ, thừa cơ dựa vào luật như phương tiện, để làm cho tội sinh sôi nảy nở và gây ra bầu khí chết chóc: tự lên án mình, lên án nhau và hiểu lệch lạc về Thiên Chúa, khi cho rằng Thiên Chúa chuyên cấm đoán, xét xử, kết án và áp đặt hình phạt. Vậy, phải chăng luật là tội? Không phải thế!
Nhưng một đàng, khi luật dậy: “ngươi không được ham muốn”, tương đương với lệnh truyền: “Người không được ăn”, vô tình đã khơi dậy nơi người giữ luật lòng ham muốn! Ở đây, thánh Phao-lô đã qui mọi lề luật về công thức căn bản: không được ham muốn; và mệnh đề này đụng chạm đến gốc rễ vô hình của tội, đó là lòng ham muốn. Vì thế, Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã đụng chạm đến lòng ham muốn, khi nói về tội ngoại tình (Mt 5, 27). Thật vậy, khi luật dậy: ngươi không được ham muốn điều này điều kia, thì đồng thời cũng đã khơi dậy trong tôi sự ham muốn điều đó rồi. Bởi lẽ, đối tượng bị cấm có sức thu hút. Con người đã không để ý và ham muốn trái cấm, nếu Thiên Chúa không nói, ngươi không được ăn trái đó! Đây chính là vấn đề của các môn học về tội: trong một số trường hợp, càng mô tả chi tiết một tội, để xác định như thế nào là chưa, như thế nào là nhẹ, như thế nào là nặng…, càng khơi dậy lòng ham muốn và đi đôi với lòng ham muốn là sự tính toán: tôi chỉ phạm tới đó thôi! Nhưng, một khi để cho lòng ham muốn chi phối, thì con người không thể dừng lại được. Lời của Đức Giê-su mời gọi chúng ta “quay lưng” lại với tội và để cho Thánh Thần lôi cuốn chúng ta theo một năng động khác.
Và đàng khác, theo thánh Phao-lô, Tội (Con Rắn) thừa cơ khơi dậy lòng ham muốn bằng sự xảo quyệt (St 3, 1) và những lí lẽ giả tạo (sách Linh Thao, số 315). Và không chỉ ham muốn đối tượng bị cấm bởi lề luật, nhưng còn dựa vào lề luật để gài bẫy, để thử, để dò xét kết án và phá hủy. Bởi vì bản chất của Ma Quỉ là ham muốn; và nếu không có được điều mình ham muốn, thì tìm cách phá hủy. Vì thế, không có luật, thì Tội “chết rồi”, vì không có phương tiện để “gây án”. Trong vườn Eden, Con Rắn chỉ xuất hiện sau khi lệnh truyền được công bố. Và chúng ta cũng có thể nhận ra điều này trong thực tế cuộc sống.
Xin cho chúng ta nhận được ơn giải thoát, đến từ Lời Chúa: nhận ra yếu tính của tội, cùng với các nguyên nhân phức tạp (để định tội, phải tìm ra nguyên nhân), và không còn mặc cảm.
2. Lề Luật, TỘI/Con Rắn và sự chết (c. 9-11)
Thánh Phao-lô nói: “Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết. Quả thế, tội đã thừa cơ, dùng điều răn để quyến rũ tôi và cũng dùng điều răn đó để giết tôi”. Và trong thư Cô-rin-tô, thánh nhân đã viết: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.” (1Cr 15, 55-57). Thật vậy, trong thực tế, có người dùng Luật để hại người và kẻ đầu tiên là “Con Rắn”, đã dùng chính lệnh truyền của Thiên Chúa để gieo rắc sự nghi ngờ, ghen tị va ham muốn (St 3, 1-7). Chính vì thế, Sách Khải Huyền gọi Satan lả Kẻ Tố Cáo (Kh 12, 7-10).
Ngoài ra, con người còn hành xử giống như Satan, hoặc nghiêm trọng hơn, Satan hành động nơi những con người cụ thể. Thật vậy, luật được lập ra là để phục vụ cho tương quan tình yêu và sự sống, nhưng trong thực tế, luật trở thành phương tiện hại người, thậm chí giết chết. Như thế, Luật bị cắt đứt khỏi cùng đích là sự sống. Chẳng hạn, có người dùng luật “chớ giết người” để giết người bằng cách vu cáo. Bởi lẽ, để hại người mà mình vẫn an toàn, thì không có cách nào khác là phải dựa vào luật. Chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết” (Ga 19, 7)[4]. Nhưng Ngài dùng chính hành động giết Ngài nhân danh Lề Luật, để “hoàn tất” Lề Luật.
3. TỘI để lộ chân tướng (c. 12-13)
Thánh Phao-lô nói tiếp: “Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó.” Như thế, chính khi Tội dùng luật để gây nên cái chết cho con người, thì nó bị lộ chân tướng. Và khi bị lộ, nó không còn nguy hiểm nữa, như trường hợp con rắn đồng bị treo lên cao (Ds, 21, 4-9).
Chỉ nơi Đức Ki-tô, tội mới bị lộ ra chân tướng thật sự. Bởi vì, khi dùng luật để gài bẫy và làm cho chúng ta bị kết án, Tội tự biện minh được, vì chúng ta đã sa ngã. Nhưng với Đức Ki-tô, Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Con Chiên Vô Tội, nên Tội bị sẽ lộ ra nguyên hình, với dã tâm hủy diệt sự sống của nó. Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3); và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô. Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội.
Theo lời của Đức Chúa, Môsê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể. Giống như con rắn đồng trong sa mạc, chúng ta khi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.
* * *
Tại sao Con Rắn, nghĩa là Tội, lại “phá đám”? Và “phá đám” như thế nào? Lời Chúa không chỉ mặc khải thực tại Sự Dữ, nhưng còn cách hành xử của nó, để chữa lành chúng ta. Và cách hành xử của Sự Dữ liên quan đặc biệt đến luật, như thánh Phao-lô đã nhận ra và giúp chúng ta nhận ra. Và tương quan giữa Sự Dữ và Lề Luật đạt tới tột đỉnh nơi cái chết của Đức Ki-tô và cũng được chứng thực trong cuộc sống. Chúng ta đoạn tuyệt với Sự Dữ, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Sự Thiện, nhưng trong cách hành xử, hay bị nhiễm cách hành xử, đặc biệt trong những gì liên quan đến luật. Vì vậy, Đức Ki-tô đến để hoàn tất lề luật (x. Mt 5, 17; Lc 24, 44).
Đã đưa ra luật, và trong thực tế, có hành vi vi phạm, thì phải xét xử và đưa ra hình phạt (St 3), nếu không, sẽ không còn là luật. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích chính của luật, không phải là ý định của Thiên Chúa, và cũng không phù hợp với con tim, khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa. Ơn huệ sáng tạo và sự sống mời gọi chúng ta xác tín điều này. Hơn nữa, hình phạt của Thiên Chúa, sau tội nguyên tổ, xét cho cùng thuộc về thân phận con người; và Người vẫn quan tâm đến sự sống của con người: thay áo lá bằng áo da cho Ông Bà Nguyên Tổ; bởi vì, sự sống bị nhiễm độc bởi vô ơn, nghi ngờ, sẽ rất khó khăn và chết chóc.
Thiên Chúa đã dựa vào luật để xét xử, nhưng nơi Đức Ki-tô, không còn xét xử và lên án nữa (Rm 8, 1), nhưng chỉ còn tình yêu và luật tình yêu. Và như thế, Con Rắn, không biết dựa vào đâu để “thừa cơ”! Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa ẩn mặt dưới luật, nên con Con Rắn thừa cơ, làm con người hiểu sai về Thiên Chúa; nhưng nơi Đức Ki-tô chịu thương khó, khuôn mặt của Thiên Chúa trở nên rạng ngời; và Con Rắn cũng bị lộ chân tượng nguyên hình.
Vi phạm luật có nguồn gốc là vấn đề nội tâm, chính vì thế để “hoàn tất lề luật”, cũng phải khởi đi từ vấn đề nội tâm. Đó chính là cách Đức Giê-su mời gọi chúng ta hoàn tất lề luật (Mt 5, 17-48). Và Người không chỉ mời gọi, nhưng còn tái sinh nội tâm chúng ta bằng Lời, Mình và Máu của chính Người.
* * *
– Tâm sự với Đức Ki-tô chịu đóng đinh và kết thúc với kinh Lạy Cha.
Mầu nhiệm Vượt Qua
và Lề Luật
Chương 3
Đức Ki-tô và Lề Luật
TIN MỪNG (Mt 5, 17-48)
Đức Ki-tô đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10); thế mà con người không thể sống mà không có Lề Luật: Lề Luật cần thiết cho sự sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc và chính sự chết, khi trở thành phương tiện, thậm chí “vũ khí” của sự dữ. Vì thế, Đức Ki-tô không thể nào không có lập trường đối với Lề Luật. Và cái chết của Ngài trên Thập Giá, cũng là một cái chết được mệnh danh là công lí của Lề Luật.
Nhưng chính khi Ngài để cho con người lên án Ngài nhân danh Lề Luật, Ngài mặc khải cho loài người chúng ta vấn đề lớn nhất của Lề Luật và khuôn mặt thật của Sự Dữ: Luật một khi bị cắt đứt khỏi nguồn gốc và cùng đích, sẽ trở thành phương tiện hại người; Sự Dữ dùng điều tốt là Lề Luật để thực hiện ý xấu (x. Rm 7, 13).
1. Bối cảnh: biến cố Sinai và biến cố “Bài Giảng Trên Núi”
Trong “Bài Giảng trên Núi”, sau khi công bố các mối phúc, Đức Giê-su trình bày lập trường của mình đối với Lề Luật: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là hoàn tất lề luật”. Và lời giảng dạy của Đức Giê-su về việc hoàn tất Lề Luật sẽ được ứng nghiệm nơi chính cuộc sống của Ngài, một cuộc sống hướng tới mầu nhiệm Thập Giá. Để giải thích cách Ngài hoàn tất Lề Luật, Đức Giêsu đặt mình đối diện với 10 Điều Răn, vốn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn thầy, thầy nói…”. Ngày nay, Mười điều răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội. Dĩ nhiên, ngoài MĐR ra, còn vô số những luật lệ khác mà người giáo dân vẫn đọc lại vào ngày CN. Tuy nhiên, Đó không phải là những điều luật thêm vào, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa MĐR. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này. Chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Chính vì thế, lề luật được Đức Giê-su hoàn tất không chỉ là “luật cũ” của Cựu Ước, nhưng là mọi lề luật của loài người, thuộc mọi thời.
“Đã được nói cho người xưa… Nhưng Thầy nói với anh em…”[5]. Công thức này được Đức Giêsu dùng tới năm lần, nếu không kể c. 31-32. Chúng ta chỉ hiểu được tầm mức của những lời này của Đức Giêsu, nếu đặt vào bối cảnh. Đó là những lời được công bố từ trên núi, cho các môn đệ và cho cả đám đông nữa (x. Mt 5, 1; 7, 28). Và vì lời của Ngài đối diện trực tiếp với những điều luật của Mười Điều Răn (x. Xh 20; Đnl 5), chúng ta không thể không so sánh bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi và bối cảnh của Mười Điều Răn.
– Đức Giêsu đã vượt qua mọi giới hạn có trước, nghĩa là trước đó, người ta chỉ giải thích Luật Mô-sê; ở đây, Ngài đặt chính mình vào chỗ mà từ đó Mô-sê đã lên tiếng công bố Mười Điều Răn.
– Điều này vẫn chưa là mới tuyệt đối, vì Mô-sê ban luật nhân danh Đức Chúa, còn Đức Giê-su ban luật mới nhân danh chính ngôi vị của mình. Trong những lời này, Đức Giêsu đặt chủ thể của mình vào chủ thể của Đấng ban Lề Luật ở núi Sinai. Từ núi này đến núi kia, biến cố mà Đức Giêsu tạo ra thật là lớn lao.
– Ngoài ra, núi Sinai còn là nơi dành cho sự hiện diện của Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Israel[6], bởi lẽ Lề Luật sẽ là gì nếu không có sự Hiện Diện? Con rắn làm cho con người chỉ nhớ tới luật, mà quên đi Đấng Ban Luật, vốn là Đấng đã ban biết bao nhiêu ân huệ trước khi ban luật. Vì thế, có rất nhiều những giải thích lời giảng dạy của Đức Giêsu, nhưng thường bỏ quên sự hiện diện, ngôi vị của ngài, Đấng đến để phục vụ cho sự sống con người bằng “tình yêu đến cùng”. Người nghe được mời gọi hiểu biết, cảm mến, đi vào tương quan thiết thân với Ngài, thì mới có thể mở trí mở lòng ra đón nhận những lời lạ lùng này của Ngài.
2. Tại sao phải hoàn tất Lề luật?
Tại sao phải hoàn tất Lề luật? Bởi vì một đàng con người không thể sống mà không có Lề Luật, nhưng đàng khác, con người lại “khổ sở” vì Lề Luật!
(1) Thật vậy, trong thực tế, có người dùng Luật để hại người và kẻ đầu tiên là “Con Rắn”, đã dùng chính lệnh truyền của Thiên Chúa để gieo rắc sự nghi ngờ, ghen tị va ham muốn (St 3, 1-7). Chính vì thế, Sách Khải Huyền gọi Satan lả Kẻ Tố Cáo (Kh 12, 7-10). Luật được lập ra là để phục vụ cho sự sống, nhưng trong thực tế, luật trở thành phương tiện hại người, thậm chí giết chết. Như thế, Luật bị cắt đứt khỏi cùng đích là sự sống. Chẳng hạn, có người dùng luật “chớ giết người” để giết người bằng cách vu cáo. Bởi lẽ, để hại người mà mình vẫn an toàn, thì không có cách nào khác là phải dựa vào luật. Chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết” (Ga 19, 7)[7]. Nhưng Ngài dùng chính hành động giết Ngài nhân danh Lề Luật, để hoàn tất Lề Luật.
(2) Ngoài ra, loài người chúng ta, dưới sự mê hoặc của Sự Dữ, khi sống Lề Luật, đã cắt đứt Lề Luật ra khỏi nguồn gốc, là tương quan ơn huệ với Thiên Chúa, qua trung gian xã hội, Giáo Hội, Hội Dòng, gia đình… Hậu quả là, thay vì sống lề luật để bày tỏ lòng biết ơn, để lớn lên trong tương quan tình yêu nhưng không, trong tương quan giao ước, con người dựa vào chữ của lề luật để tạo lập sự công chính của mình; từ đó, sẽ dẫn đến thái độ kiêu ngạo và thú vui dò xét và lên án người khác. Đây chính là thái độ của những người Pha-ri-sêu, kinh sư và luật sĩ. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mình “công chính”, khi đối diện với Lề Luật; vì thế, chúng ta luôn bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi. Chính Đức Ki-tô sẽ hoàn tất Lề Luật cách tận căn bằng Thập Giá, để trao ban cho chúng ta sự công chính của Ngài.
(3) Hơn nữa Lề Luật có những giới hạn tự tại.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: để ngăn chặn sự dữ, dừng lại ở hành vi thôi chưa đủ, dừng lại ở hành vi giết người hay hành vi ngoại tình thôi chưa đủ, bởi vì nguồn gốc của hành vi chính là cõi lòng của con người. Trước khi giết người khác, người ta đã loại bỏ người ấy ở trong lòng của mình rồi; trước khi có hành vi ngoại tình hay nhưng hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi. Chẳng hạn, chẳng ai trong chúng ta đã vi phạm luật “chớ giết người”, và có lẽ đến cuối đời, chắc chắn cũng chẳng bao giờ vi phạm. Nhưng, phải chăng như thế đã là công chính, khi mà cõi lòng của chúng ta đầy giận hờn ghét ghen, khi mà lời nói của chúng ta gây ra tai họa cho người khác, thậm chí có khả năng “giết chết”. Sách Huấn Ca nói: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? (Hc 28, 18).
Và thánh Gioan nói rằng ai ghét anh em mình đã là kẻ sát nhân rồi. Lời này của thánh Gioan là một kết luận thật chính xác từ chính lời của Đức Giêsu nói: ai giận, mắng hay chửi anh em thì đáng bị xét xử y như người phạm tội giết người. Bởi lẽ, khi ghét anh chị em của mình, là chúng ta đã loại trừ người ấy ngay trong lòng của mình rồi; và nghiêm trọng hơn, lòng ghen ghét là nọc độc gây chết chóc cho người mang nó trong người và cho cả người phải gánh chịu nó. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nào khi nhận ra rằng có ai đó ghét bỏ mình. Bởi vì lòng ghen ghét tự nó có khả năng giết chết.
Lề Luật qui định những điều phải làm và những điều phải tránh; nhưng còn lại rất nhiều hành vi và hành động Lề Luật bỏ ngỏ, không qui định. Vậy, chúng ta phải hành động theo năng động nào, nhằm mục đích gì? Năng động xấu sẽ lẻn vào, nếu chúng ta không sống theo một năng động khác khởi đi từ con tim, là năng động của Thần Khí, là tình yêu, là nhưng không, là vì chính Thiên Chúa, Cha mọi người, như chính Đức Giê-su đã sống đến cùng trong mầu nhiệm Vượt Qua.
3. Đức Giê-su hoàn tất như thế nào?
Dùng Luật như phương tiện, Con Rắn (Satan, Sự Dữ, Tội) gieo vào “tai” con người nọc độc quên ơn, nghi ngờ Thiên Chúa, ham muốn, ghen tị và cuối cùng là vi phạm; hậu quả là chết trong tương quan với mình, với Thiên Chúa và với người khác; điều này đúng ở tất cả bình diện: tôn giáo, đời tu, gia đình, xã hội). Những người thuộc về Satan cũng dùng Luật như phương tiện để hại người khác. Ngoải ra, Con Rắn còn dựa vào Lề Luật để rình rập, gài bẫy, vu cáo, lên án.
Trong cuộc sống, hầu như hằng ngày chúng ta nghe đến chán chê qua báo chí, các bài diễn văn hay các bài giảng, vô vàn những lời lên án mọi lỗi lầm của người khác, của xã hội và thậm chí của cả loài người! Hành động này là đúng: vì có luật, có vi phạm, thì phải dựa vào luật mà tố cáo, kết án và thì hành án phạt. Nhưng phải chăng Luật được lập ra với chức năng chính yếu là được dùng để tố cáo và kết án nhau ? Hơn nữa, kết án nhân danh Lề Luật, theo mặc khải Kinh Thánh, lại là hành động đặc trưng của Satan !
Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.
Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con. (Tv 19, 13)
Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.
Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô
không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức theo chữ viết,
nhưng là một chuyển động của Thần Khí
vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích.
4. Những minh họa
Trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 17-48), Đức Giê-su dùng tới năm lần công thức sau đây: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em” (c 21, 27, 33, 38 và 43).
– Lần thứ nhất về luật chớ giết người, liên quan đến vấn đề sự sống.
– Lần thứ hai, luật chớ ngoại tình, liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình.
– Lần thứ ba, chớ bội thề, liên quan đến vấn đề lời nói.
– Lần thứ tư, luật ngang bằng, nghĩa là luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, liên quan đến vấn đề “kẻ dữ” luôn có mặt trong cuộc sống của loài người.
– Và lần thứ năm liên quan đến luật “yêu đồng loại và ghét kẻ thù”; đó nội dung của bài Tin Mừng mà Giáo Hội đề nghị đọc trong Thánh Lễ Tân Niên. Điều luật này đụng chạm đến tương quan giữa các nhóm hay giữa các cộng động thù nghịch.
Những minh họa mà Đức Giê-su đưa ra, chỉ đề cập đến năm điều luật, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng là những điều luật liên quan đến những vấn đề thiết yếu của sự sống con người, nghĩa là đến sự duy trì và phát triển của sự sống. Và trường hợp thứ năm là điểm tới và là đỉnh cao không chỉ của các minh họa, những của cả toàn bộ Lề Luật được Đức Ki-tô hoàn tất. Bởi vì, tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những minh họa trước đó. Nhưng ở đây với minh họa thứ năm, tình yêu được nêu ra một cách minh nhiên và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của Cha Trên Trời.
Và chúng ta đừng dừng lại ở mức độ coi Mười Điều Răn là “Luật Cũ” trong tương quan với “Luật Mới”. Bởi vì, Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật, không chỉ Lề Luật của đạo Do Thái, nhưng là Mười Điều Răn là trung tâm của mọi Lề Luật, Luật đời, Luật đạo, Luật tu trì. Có thể nói, mọi Lề Luật đều là để triển khai, để sống cụ thể và chi tiết Mười Điều Răn. Mười Điều Răn như đỉnh núi: mọi lề luật qui về Mười Điều Răn và từ Mười Điều Răn xuất phát mọi lề luật.
a. “Chớ giết người”
Đức Giêsu mời gọi chúng ta vượt qua đức công chính theo Luật; và để vượt qua, Ngài mời gọi chúng ta hành động khởi đi từ “nguồn gốc”: Nguồn gốc của mọi hành động xấu xa, và trong trường hợp hành vi giết người, nguồn gốc của nó là sự giận dữ trong lòng và ở những lời mắng chửi. Đức Giêsu mời gọi chúng ta loại trừ hành vi giết người ngay từ gốc rễ của nó.
Khởi đầu của hành vi giết người: cơn giận
=> mắng chửi[8] => giết người.
Hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động khởi đi từ gốc rễ sâu thẳm nơi cõi lòng chúng ta, đó là sự thiện tuyệt đối, khiến chúng ta có khả năng đi bước trước làm hòa với người anh em mà không cần đặt vấn đề theo luật định: ai đã gây ra chuyện này, ai đã bắt đầu trước? Và khiến chúng ta có khả năng làm hòa với nhau, thay vì đem nhau ra tòa, ở đó mỗi người sẽ phải lớn tiếng tự biện minh cho mình, phải tố cáo nhau, rồi một trong hai người sẽ bị tuyên án và bị giam vào tù ngục; và điều gì bảo đảm rằng quan tòa sẽ chí công vô tư, sẽ đứng về phía người ngay?
Đức Giêsu mời gọi chúng ta đừng ứng xử với nhau theo Luật, đừng để cho hệ thống Lề Luật giải quyết tương quan của chúng ta với nhau, vì sẽ là tai họa. Kinh nghiệm sống của chúng ta cho thấy như vậy. Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện điều mà chính Ngài đã thực hiện cho chúng ta: nơi Thập Giá của Đức Kitô, Thiên Chúa không ứng xử với chúng ta theo Luật.
Hành động theo nguồn gốc, còn là hành động theo ơn huệ tuyệt đối nhưng không mà mỗi người chúng ta đều nhận được ở khởi đầu của sự sống: nhận được nhưng không, thì cho nhưng không. Cũng vậy, ở khởi đầu của công trình sáng tạo, Thiên Chúa ban ơn một cách tuyệt đối nhưng không[9].
b. ”Chớ ngoại tình”
Điều răn này có ở trong Mười Điều Răn của Cựu Ước và của Giáo Hội. Cùng đích của điều răn này, tuy không được phát biểu trong văn bản của Mười Điều Răn, nhưng ai cũng có thể đoán ra được: đó là sự bền vững và tình yêu. Bền vững và tình yêu liên quan chặt chẽ với nhau và là nền tảng của hạnh phúc, của niềm vui và của chính sự sống. Sự sống có thể phát sinh, nhưng không thể tồn tại và lớn lên nếu không có sự bền vững và tương quan tình yêu. Nhưng trong thực tế, điều răn này đã bị Tội lợi dụng, đã trở thành phương tiện của Tội như thánh Phaolô nói trong Rm 7: Luật trở thành nơi cho Tội ẩn nấp, trở thành phương tiện của Tội, thậm chí trở thành đà phóng của tội (x. Rm 7, 8).
Nghe những khẳng định này chúng ta có thể lấy làm lạ, nhưng đó lại là kinh nghiệm sống của mọi người, của chính chúng ta. Những người để mình bị chi phối bởi Tội sẽ nghĩ như thế này: thế nào là một hành vi ngoại tình? Họ đòi cho được một định nghĩa, hay họ tự tạo cho mình một định nghĩa; và sau đó thì ham muốn thoải mái, nghĩ ngợi thoải mái, tưởng tượng thoải mái, ăn nói thoải mái…, miễn sao mình không vi phạm điều mà luật chớ ngoại tình định nghĩa. Như thế, họ giữ luật “chớ ngoại tình” chỉ ở bên ngoài, chỉ có cái vỏ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng cái đê lề luật không thể ngăn chặn mãi được sức mạnh của lòng ham muốn, chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ vỡ, sẽ vỡ tan tành. Vì thế, để đạt được cùng đích của điều răn chớ ngoại tình, Đức Giêsu mời gọi loài người chúng ta khởi đi từ đầu, và tất yếu phải khởi đi từ đầu:
– Khởi đi từ đầu nơi lòng muốn hay lòng ước ao, nơi đôi mắt, nơi đôi tai, nơi tay. Và đoạn tuyệt với sự dữ ngay từ đây, ở những bước đầu này: “chặt, ném và ném cho xa”.
– Khởi đi từ đầu nơi tình yêu và ân huệ được trao ban cách nhưng không và quảng đại khi mới yêu nhau. Quên đi khởi đầu này sẽ là tai họa, là đại họa như chúng ta vẫn chứng kiến hay đọc trên báo.
– Khởi đi từ đầu nơi sáng tạo, ở đó người nam và người nữ được ban cho nhau như là quà tặng tuyệt đối nhưng không của Thiên Chúa. Như chính Đức Giêsu sẽ trả lời chất vấn của những người lệ luật: “ Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ…” (Mt 19, 4).
Những gì chúng ta hiểu về điều răn “chớ ngoại tình” hoàn toàn đúng với những điều luật liên quan đến đời tu của chúng ta, nhất là ba lời khấn, và đặc biệt là lời khấn khiết tịnh: “chớ lấy vợ hay chớ lấy chồng!”
c. “Chớ bội thề”
Luật “chớ bội thề” giả định sự thật chỉ được bảo đảm trong một phần hay một hình thức của lời nói, đó là lời thề. Như thế, hậu quả tai hại, mà chúng ta không nhận ra, đó là người ta có quyền không hoặc ít nói sự thật trong phần còn lại của lời nói? Và trong phần này còn lại, phần mà tôi không thề, tôi có thể chọn giải pháp “không có và cũng chẳng không” (chọn hành vi không chọn). Trong thực tế, đây là nơi của gian dối còn nhiều hơn là gian dối công khai, là nơi của: “mọi thứ thêm thắt”; bởi tôi sẽ “tùy cơ ứng biến”, hay “gió chiều nào ngả theo chiều đó. Đức Giêsu giải phóng lời nói, khi Ngài mời gọi chúng ta nói sự thật, nhưng không phải trong phạm vi của lời thề, nhưng mọi lúc mọi nơi. Lựa chọn này cũng mời gọi tôi không buộc người khác phải thề, để tránh thái độ tiên thiên coi người khác như kẻ nói láo tiềm ẩn!
Trong trường hợp này, chúng ta cũng được mời gọi hành động từ điểm khởi đầu. Và điểm khởi đầu ở đây là nơi mà tôi phát biểu thực sự, nghĩa bày tỏ chính mình, tôi liều lĩnh dấn mình vào sự thật, bằng cách từ bỏ thái độ “không có và cũng chẳng không”. Điều này cũng đúng, đi chúng ta được mời gọi, đến một lúc nào đó, liều lĩnh làm cuộc Lựa Chọn Ơn Gọi, để thoát ra khỏi tình trạng “không có và cũng chẳng không” để cam đảm sống suốt đời.
d. “Mắt đền mắt, răng đền răng”
Luật ngang bằng không phải là luật báo thù như chúng ta vẫn thường nghĩ, nhưng ngược lại, đó là luật ngăn cản bản năng báo thù. Luật này là một cột mốc quan trọng trong quá trình tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên, luật ngang bằng lại nằm ở giữa đường, mà đầu đường bên này là báo thù và đầu đường bên kia là yêu mến tha nhân. Vì thế luật ngang bằng cũng là một thứ “không có và cũng chẳng không”; và trong thực tế, nó chứa đựng ý muốn báo thù vốn có ở trong lòng con người. Luật ngang bằng rốt cuộc chỉ là cái đê mong manh ngăn cản sức mạnh kinh hồn của lòng báo thù.
Vì thế, qua những ví dụ, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chọn hẳn một chuyển động khác, không kém mạnh mẽ, như chính Ngài sẽ thực hiện trong cuộc Thương Khó, đó là lòng yêu mến tha nhân. Sức mạnh của sự dữ không thể bị chặn đứng bởi Lề Luật, nếu có thì chỉ tạm thời mà thôi, nhưng chỉ bị chặn đứng và bị đánh bại bởi một sức mạnh khác, đó là sức mạnh tình yêu.
e. “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”
Phần này là điểm tới và là đỉnh cao của chuỗi các giới răn được Đức Kitô hoàn tất. Bởi vì, tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những phần trên, được nêu ra cách minh nhiên ở đây và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của Cha trên trời. Đức Giêsu mời gọi người môn đệ sống nguyên tắc “Cha nào con nấy”, như chính Ngài đã sống.
Giới luật: “hãy ghét kẻ thù” mà Đức Giêsu trích dẫn không hề có trong bộ Ngũ Thư (Torah). Người ta có thể tìm thấy những lời tương đương, nhưng chỉ áp dụng cho một dân tộc đặc thù (x. Đnl 23, 4), chứ không áp dụng cho kẻ thù nói chung. Sự oán ghét không bao giờ là đối tượng của một giới luật, nhưng chỉ là một hệ quả thực tế của nguyên tắc: “bạn của anh là bạn của anh, kẻ thù của anh là kẻ thù của anh, anh cứ theo đó mà ứng xử”. Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan đến kẻ thù, dù không có trong Torah, vẫn diễn tả cách trung thực giới luật: “anh hãy yêu mến người thân cận” được diễn giải và được sống trong thực tế.
Chìa khóa để hiểu những lời này của Đức Giêsu vẫn là điểm khởi đầu: thay vì yêu mến “những người yêu mến anh em”, thì anh em đừng chờ đợi để yêu mến. Anh em hãy khởi đầu, hãy yêu mến trước, và đừng biến tình yêu của mình thành gương soi của tình yêu mà anh em chờ đợi hay nhận được. Cha ở trên trời luôn hành xử như thế đối với chúng ta! Như thế, hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động theo cung cách của chính Thiên Chúa, Cội Nguồn của mọi sự: anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng Hoàn Thiện. Và Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện “ở trên trời”, nhưng cũng hiện diện nơi sâu thẳm của mỗi người chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Chúng ta được mời gọi không chỉ sống theo lề luật, nhưng còn sống theo Lời Chúa; nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được? Yêu thương những người thân cận theo lề luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được? Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời Đấng hoàn thiện, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta, “Cha nào thì con nấy”, “con nhà Tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Như thế, chúng ta là Con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những tin vào Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như lời Chúa nói: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa. Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô. Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?
* * *
Và đó chính là con đường thiêng liêng, hay có thể nói, đó là “bí quyết” giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong nỗ lực yêu thương nhau: đó là chúng ta đừng bao giờ quên và cần ghi nhớ mỗi ngày, chính bản thân chúng ta được Chúa yêu thương bao dung và tha thứ trước, một cách vô hạn và nhưng không. Vừa rồi là bí quyết thứ nhất. Ngoài ra, còn có một “bí quyết” thứ hai nữa: đó là chúng ta cần hiểu yêu thương và sống yêu thương theo nhiều mức độ khác nhau, chứ không thể nào hoàn thiện ngay được:
– Nếu, chúng ta chưa yêu được bằng con tim, bằng tình cảm dạt dào, thì ít nhất chúng ta yêu bằng những cử chỉ và hành động tốt lành, chẳng hạn, tôn trọng, chào hỏi, giúp đỡ, thăm hỏi… theo luật đức ái đòi hỏi.
– Và nếu chúng ta chưa thể làm cho nhau những điều lành, thì ít nhất chúng ta đừng làm điều xấu cho nhau, đừng làm hại nhau.
– Và nếu chúng ta bị ma quỉ xúi dục làm điều xấu cho nhau, làm hại cho nhau, chúng ta cố gắng đừng làm gì hết, và cầu nguyện nhiều cho mình và cho người khác như lời Chúa mời gọi: “hãy cầu nguyện cho họ”, để Chúa giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ.
5. Có thực hành được không?
a. Lệnh truyền hay “lời khuyên”?
Những lời của Đức Giêsu trong Mt 5, 17-41 thường được coi là những “lời khuyên” dành cho số ít người. Tuy nhiên, Đức Giêsu nói những lời này cho tất cả các môn đệ và cùng với các môn đệ cho cả đám đông! Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan đến số phận của đám đông.
Những lời long trọng kết thúc Bài Giảng và có giá trị đối với toàn bộ nội dung của Bài Giảng cho thấy rõ điều này: xây dựng trên điều gì khác với những lời vừa được công bố, chính là tự đẩy mình vào tình huống bị “sụp đổ tan tành” khi thử thách xẩy ra (Mt 7, 24-27: xây nhà trên cát hay trên đá). Những lời được công bố nhằm tránh khỏi bị tiêu vong không thể gọi là những lời khuyên được; trái lại, đó là những điều kiện không thể không có để hoàn tất Mười Điều Răn. Ai không vượt qua, sẽ không hoàn tất[10].
b. Sống lời của Đức Giêsu như thế nào?
Lời của Đức Giêsu liên quan đến đời thường: những vấn đề thường ngày (gây gổ, tranh chấp…); thiên nhiên (núi, mưa, gió, thảo mộc, loài vật…); thân thể (mắt, tóc, tay, chân…); tương quan xã hội; thành phố.
Lời của Đức Giêsu là “luật của tự do”. (1) Để có thể tồn tại, xã hội loài người đã phải thay đổi những luật lệ của mình. Nhưng đã đủ chưa khi có những bộ luật mới? (2) Phải chăng những lời này của Đức Giêsu là lề luật? Nếu đó là những điều luật như những điều luật khác, thì người ta sẽ phải khắc chúng xen vào tảng đá Mười Điều Răn! Có nhiều người đã hiểu luật của Đức Giêsu như thế đấy: chỉ có nội dung thay đổi, còn cách thức vẫn vậy. Nếu hiểu lời của Đức Giêsu theo nghĩa vật chất (material) như thế, người ta sẽ lấy đâu ra sức mạnh để tuân giữ? Và hậu quả sẽ thật lệch lạc và chết chóc. (3) Ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo giao ước mới và luật của giao ước mới sẽ không còn được khắc trên đá nữa, nhưng trong tận đáy lòng con người. Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa như là những lời của ngài gợi ra, mà vẫn không khuôn theo một cách vật chất. Chính Đức Giêsu đã hoàn tất toàn bộ “luật của Ngài” trong cuộc Thương Khó; nhưng chúng ta không thấy Ngài hành xử đúng theo từng chữ những gì mà Ngài đã giảng dạy. Thậy vậy, bị vả má này, Ngài đâu có đưa má kia ra đâu; nhưng đã hỏi: “Tại sao anh tát tôi?” (Ga 18, 23; đọc thêm Cv 23, 2-5)
Lời của Đức Giêsu không thể được tuân giữ do áp đặt từ bên ngoài. Dù sao, nghe những lời này của Đức Giêsu, người Kitô hữu chúng ta có lý để than vãn: quá khó để thực hành những gì Ngài muốn; nhưng thật ra, hiểu cũng đã khó quá rồi! Vậy làm sao tìm ra “lối đi” (lối đi chứ không phải cửa hẹp, như Đức Giêsu nói trong Mt 7, 13, vì cửa hẹp, rốt cuộc thì ai cũng có thể lách qua được). Chính Chúa Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta đạt tới đích trong tự do; vì áp đặt sẽ làm hỏng luật của Đức Kitô tận gốc rễ.
c. Để có thể sống theo lời của Đức Giê-su, chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”; nguồn gốc là tình yêu đến cùng Ngài dành cho từng người chúng ta: anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em”, là kinh nghiệm được Ngài “rửa chân”: “Anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em”.
______________________
[1] Vi phạm luật có nguồn gốc là vấn đề nội tâm, chính vì thế để “hoàn tất lề luật”, cũng phải khởi đi từ vấn đề nội tâm. Đó chính là cách Đức Giê-su mời gọi chúng ta hoàn tất lề luật (Mt 5, 17-48). Và Người không chỉ mời gọi, nhưng còn tái sinh nội tâm chúng ta bằng Lời, Mình và Máu của chính Người.
[2] ĐTC Phanxicô, Misericardiae Vultus (Dung Mạo Lòng Thương Xót), Tông Sắc mở Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót, “Trong sứ vụ của mình, họ được dẫn dắt bởi lời của thánh Tông Đồ: Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong sự bất tín, để thương xót mọi người (Rm 11, 32)”, số 18.
[3] Để là tội, phải hội đủ 3 yếu tố: luật cấm, biết rõ và tự do. Lời Chúa mặc khải về Tội Nguyên Tổ giúp chúng ta nhận ra rằng, trong tội, con người không hoàn toàn tự do, bởi vì “con rắn lừa dối con…” (St 3).
[4] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sabat, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).
[5] “Công thức” này ở đây được địch sát bản văn Hy Lạp.
[6] Nếu khác đi, Luật sẽ không là gì cả. “Này đây, Đức Chúa đã nói với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”, Môisê nói (Đnl 5, 4). Và dân chúng đáp lại: “Này Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, đã cho chúng tôi thấy Người thật vinh quang và vĩ đại, và chúng tôi đã nghe tiếng của Người từ trong đám lửa” (Đnl 5, 24).
[7] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sabat, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).
[8] Có thể đọc Hc 28, 13-26 về cái lưỡi.
[9] So sánh với 1Tm 1, 8-10 và Gl 5, 18-23, để nhận ra cùng một tinh thần của Đức Giêsu được diễn tả bởi hai ngôn ngữ khác nhau, một của Tin Mừng Matthêu và một của thánh Phaolô.
[10] Tính tất yếu của những lời mà Đức Giêsu công bố trong Mt 5 còn được làm rõ bởi bối cảnh gợi nhớ bối cảnh Sinai và bởi chính những vấn đề được Đức Giêsu đề cập, đó là những vấn đề liên quan đến toàn xã hội, đến Nước Trời, đến chính sứ mạng của Ngài (x. Mt 5, 17).