(1218-1278)
Thánh Zita còn được gọi là Sitha hay Citha. Ngài sinh năm 1218 tại Monsagrati trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức ở Lucca, nước Ý. Từ 12 tuổi cho đến chết, ngài làm đầy tớ cho gia đình Fatinelli giàu có ở Lucca. Vì không có địa vị trong xã hội nên ngài không có tên họ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Zita đã lưu tâm đến những người nghèo và bơ vơ. Lòng thương người ấy ngày càng nổi tiếng, và họ tìm đến ngài. Điều ấy không phù hợp với hoàn cảnh của một đầy tớ cũng như khiến gia chủ phải khó chịu. Và Thiên Chúa đã can thiệp. Một ngày kia, Zita bỏ dở công việc nấu nướng để chăm sóc người nghèo và các đầy tớ khác đã lên mách với gia chủ. Khi xuống bếp điều tra, họ nhìn thấy các thiên thần đang làm công việc bếp núc thay cho Zita. Một lần khác, Zita đã phân phát cả một kho chứa đậu cho những người trong phố khi nạn đói hoành hành. Khả nghi, gia chủ xuống xem xét và lạ lùng thay họ thấy kho vẫn đầy những hạt đậu.
Ngày tháng dần trôi, ngài trở nên nổi tiếng trong việc giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và kẻ tù đầy. Ngài qua đời ngày 27 tháng 4 năm 1272, ngay sau khi chết, nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài, người ta đã sùng kính ngài như một vị thánh. Mộ phần của ngài được tìm thấy năm 1580 trong nhà thờ ở San Frediano.
Danh xưng thánh được Đức Giáo Hoàng Innocent XII chính thức trao ban cho ngài ngày 05 tháng 9 năm 1696 và tên của ngài được Đức Giáo Hoàng Benedictus XIV cho ghi vào danh bộ tử đạo La Mã (The Roman Martyrology) năm 1748. Thánh Zita là quan thầy của các người giúp việc trong nhà.
Lời Bàn
Chúng ta thường nói, “Bạn không thể đem theo của cải với mình khi chết.” Nhưng người ta vẫn e ngại khi làm việc từ thiện vì họ sợ tài sản của họ sẽ tiêu tan, dù đó là thời giờ, tiền bạc hay sức lực. Thánh Zita được vinh danh là vì lòng bác ái của ngài. Ngài có thể tự so sánh mình với những người giầu có và bào chữa cho sự ích kỷ của mình. Nhưng ngài đã sống lời Đức Kitô trong câu truyện về người goá phụ nghèo (xem Luca 21:1-4).
Lời Trích
“Vì vậy chúng ta hãy bác ái và khiêm tốn; chúng ta hãy bố thí vì của bố thí sẽ tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta (xem Tobia 4:11; 12:9). Vì người ta sẽ mất tất cả những gì họ để lại trần gian mà chỉ đem theo được các phần thưởng của hành động bác ái và bố thí mà họ đã cho đi, vì đó mà họ sẽ được Chúa thưởng công và được đền đáp xứng đáng” (Thánh Phanxicô, Thư Gửi Người Tín Hữu).
Nguồn: dongten.net