Tuổi trẻ: hành trình của dại khờ và khát khao
5h45’ tháng 10, ngày 22: Thánh lễ cầu bình an cho mẹ anh sau mấy giờ nhập viện vì tai biến. Cô là một người khỏe mạnh, vui vẻ và nhiệt tình.
Hơn 30 phút sau, anh báo: “mẹ mất”!
Quá nhanh đến mức tôi chưa kịp định hình chuyện gì đang xảy ra. Quá nhanh với anh và với tất cả mọi người.
Người ta vẫn hay kể với trẻ con, khi một người thân yêu mất đi họ sẽ trở thành một vì sao sáng nơi cuối trời, và vì sao đó luôn dõi theo những người họ yêu thương ở trần thế. Có đôi lần, tôi vẫn lặp lại câu nói đó với mấy đứa trẻ đường phố mà bản thân có dịp tiếp xúc. Và trong lần chia sẻ với anh, tôi cũng nhắc lại điều đó: “Anh, mẹ hy vọng ở anh nhiều, hãy sống thật tốt anh nhé, mẹ dõi theo bước hành trình của anh”.
Đời này bao giờ cũng nhanh như vậy, kể cả là thời gian, là con người. Mọi thứ đến và đi rất nhanh. Nhiều khi tôi ước mình nhanh nhẹn hơn một tý để kịp thích nghi với sự thay đổi và biến chuyển đó.
Nhiều khi, bản thân chẳng biết mình đã thay đổi bao nhiêu?
Lúc trước, tôi rất sợ làm mất lòng người khác, không dám đưa ra ý kiến của mình, không dám từ chối và không dám trực diện đối mặt… sợ hãi những lúc không khí vắng lặng, sợ tẻ nhạt, sợ đối phương không vui vẻ, hoảng sợ đối mặt với tất cả mọi người. Tôi cố gắng để vui vẻ, để trở nên hoàn hảo hơn, xuất sắc hơn. Điều đáng tiếc là, tôi chưa từng nhận được sự tôn trọng tương ứng. Sau này, tôi bắt đầu chiều chuộng, yêu quý bản thân, nếu như đã hẹn bạn đến chậm thì tôi về trước, việc gì không muốn thì không miễn cưỡng bản thân làm. Sự tôn trọng được dành cho người xứng đáng. Nếu thấy cuộc nói chuyện có phần sai trái, tôi thẳng thắn góp ý. Nếu như việc góp ý không được chấp nhận, tôi im lặng và lắng nghe. Yêu thương bản thân thì bất cứ ai cố ý đả thương và hòng mang đau khổ cho mình, họ- tuyệt đối không xứng đáng để tôn trọng. Từ đó, biết cách chọn lọc người để quan tâm và bỏ bớt đi một số người không có tâm ý tử tế. Lúc rảnh rỗi, dành thời gian nghe nhạc, xem phim, đọc sách… tôn trọng tự do cá nhân của mình và của mọi người. Thế giới cũng từ đó bớt ồn ào, bớt náo nhiệt. Sau đó tôi nhận ra, không những tôi được coi trọng, mà còn vui vẻ hơn nữa.
Không phải bản thân ích kỷ, không đủ can đảm đối mặt với xã hội, không đủ năng lực để phát triển bản thân, mà tôi hy vọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, khi gặp phải bất công, không hợp lý tôi vẫn có thể kiên định, mạnh mẽ sống với con người thật, thái độ thật của mình, chứ không phải thảo mai, luồn cúi theo kiểu: “Hồn Trương Ba da hàng thịt” suốt cả một đời người. Bản thân luôn chấp nhận sự thô ráp, sự không hoàn thiện như một phần không thể thiếu của chính mình. Và cố gắng để hoàn thiện nó mỗi ngày, vì phía trước, cuộc đời còn rất bao la và rộng lớn.
Mọi thứ đến trong đời, đều có giá của nó cả, chỉ là đắt hay không mà thôi. Có những thứ được ghi nợ, được trả lãi, lại có những thứ phải vất vả để trả hết một lần. Những người trẻ như tôi phải trả giá bằng cả đắng cay, bằng thương tổn để học lấy không phải hiếm, và tôi biết chắc ngoài kia cũng có rất nhiều người như vậy. Dù sao bản thân tôi thấy mình vẫn có lời, thấy thỏa nguyện, dù mất đi nhiều thứ nhưng vẫn giữ được bản thân mình và không làm hại đến ai. Có lẽ đó là quá trình trưởng thành mà những người trẻ ở vạch xuất phát thấp đã và đang đi qua.
Xuất phát điểm muộn hơn người khác, chậm hơn người khác thì dù có cật lực chạy bao nhiêu thì vẫn là ở phía sau, tự chuốc lấy lao lực cho bản thân. Điều quan trọng mà tôi nghiệm ra trong quá trình đó có lẽ là việc tập nhận diện chính mình, chạy đua với chính mình và chiến thắng chính mình.
Bản thân thấy hợp lý là được, sai- đúng vốn dĩ không còn là vấn đề lớn lao nữa. Sai đâu sửa đấy, có sai có sửa mới có tuổi trẻ, tuổi trẻ thì sai là chuyện đương nhiên không sai mới là lạ. Sai rồi sẽ biết suy nghĩ thấu đáo hơn, hợp lý hơn và cũng đúng đắn hơn. Cả một cuộc đời phía sau đang chờ đợi mình mà.
Tôi gặp lại tôi- bạn; trong câu chuyện của Hichki, của Forest Gumb, cứ đi và cứ lao đầu về phía trước vậy. Giờ đây, trong những năm tháng trẻ nhất, đẹp nhất của cuộc đời, tôi thấy mình cười nhiều hơn, thấy bản thân đang cố gắng cho những điều cao cả hơn. Mỗi ngày.
Hichki là một câu chuyện đầy cảm hứng và ý nghĩa về một cô giáo mắc chứng bệnh Tourette (1 chứng bệnh liên quan tới thần kinh khiến cô liên tục tạo ra những tiếng như tiếng nấc). Bộ phim giàu tính nhân văn đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Gần 5 năm đi xin việc với hơn 14 trường học từ chối, một hành trình đầy gian nan, vất vả. Đây thực sự là một bộ phim truyền cảm hứng cho những người gặp những khiếm khuyết trong xã hội cũng như tiếp thêm động lực cho những người trẻ đã, đang và ấp ủ khát khao khẳng định bản thân trong cuộc sống. Bộ phim thực sự truyền động lực cho mỗi người với những bài học mà phải tự mình chiêm nghiệm ra.
Nhìn sâu hơn, tuổi trẻ của chính bản thân và của bạn thực sự không có một cái gì trong tay. Chênh vênh với đời, tiền bạc ít, tri thức ít, trải nghiệm ,kinh nghiệm sống cũng ít, địa vị, quan hệ xã hội thì chưa đâu vào đâu cả… Có chăng chỉ là việc chúng ta đang lao đầu về phía trước với tất cả nhiệt huyết. Với đôi chân, với khối óc luôn sẵn sàng cho một hành trình đi tìm. Những ước mong cho hành trình đi tìm đó, chúng ta tìm được điều chúng ta khao khát, gặp được người chúng ta cần gặp, đến được nơi chúng ta muốn đến và gắn bó với điều chúng ta tâm niệm và cố gắng
Tuổi trẻ- tuổi đẹp nhất trong đời con người, đẹp như lời kinh Quảng đại hiến dâng mà tôi vẫn đọc, vẫn nghe mỗi ngày. Giờ đây vẫn muốn viết lại lần nữa, tuổi trẻ là:
Biết cho đi mà không tính toán
Biết chiến đấu không ngại thương tích
Biết làm việc không tìm nghỉ ngơi
Biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn.
Những người trẻ mà tôi có dịp được gặp gỡ, họ đang lao mình vào những chuyến tình nguyện xa, về với bà con miền núi, trải nghiệm cùng trẻ em đường phố, trẻ vô gia cư, đồng hành cùng người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống… rất nhiều, rất nhiều. Tôi thực sự hạnh phúc và tạ ơn Chúa vì những con người ở độ tuổi của tôi làm được những điều tốt đẹp và phi thường.
Tuổi trẻ- tuổi của: “Bước chân vững vàng, khó khăn chẳng màng, biển rộng trời cao vẫy vùng”. Thật đẹp những bước chân ra xa đến những vùng ngoại biên, ngoại vi của xã hội, những người trẻ đó không còn quay cuồng trong vòng xoáy của: “Một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh”. Họ không còn tụ tập rôm rả theo trend, không còn quẩn quanh nơi chốn cà phê, máy lạnh với vài ba câu chuyện ca sĩ, diễn viên, người này người nọ… và họ cũng không còn sống chết để bám trụ lại nơi đất chật người đông này nữa.
Những người trẻ đầy cá tính và thú vị, họ luôn luôn khát khao, luôn luôn khác biệt. Và tôi luôn tin tưởng họ nhất định sẽ hạnh phúc, sẽ thành công. Mỗi khi nghĩ về điều đó, trong tim tôi vẫn luôn vang lên câu nói của thánh Phao-lô khi gửi cho tín hữu Phi-líp-phê: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”. Thật đáng một đời để sống, để chiến đấu cho lý tưởng, cho ước mơ, cho những điều cao quý.
Ngày xưa, những ngày đầu tại Học viện X, có một cậu bé co mình lại trong vỏ bọc, cậu rất sợ hãi, rất lúng túng. Và rồi cậu nghe được tiếng nói: “Thầy đây đừng sợ, can đảm lên con, Thầy đã thắng thế gian”. Và cậu bước lên mạnh mẽ, dứt khoát với lý tưởng của đời mình.
Trong những phút giây được trầm mình trong Chúa, tôi thấy bản thân không cô đơn, và tôi thấy chúng ta đang cùng tiến bước về phía trước, vẫn luôn muốn nói với chính bản thân và với các bạn đang đọc bài viết này:“Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ”.(Steve Jobs)