TIN MỪNG (Ga 16, 12-15)
12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.
Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKVP)
***********
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Chúng ta có thể tự hỏi, đó là những điều gì, lớn lao và nặng nề đến độ các môn đệ không thể “chịu nổi”, hay dịch sát nghĩa tiếng Hi-lạp, không thể “mang lấy”?
Đức Giê-su nói lời này trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nên đó chỉ có thể là mầu nhiệm Vượt Qua mà Người sắp hoàn thành mà thôi. Thế mà, lịch sử cứu độ hướng về mầu nhiệm Vượt Qua, như trong mầu nhiệm hiển dung, hình ảnh ông Mô-se và ông Ê-li-cùng đàm đạo với Đức Giê-su và nội dung cuộc đàm đạo, nói cho chúng ta biết: “Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9, 30-31). Và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ, như chính Đức Ki-tô phục sinh nói với các môn đệ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).
1. Lịch sử cứu độ và mầu nhiệm Vượt Qua (c. 12-13a)
Mầu nhiệm Vượt Qua có tầm mức lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, có tầm mức lịch sử phổ quát, trong đó có lịch sử của từng môn đệ và của từng người chúng ta. Một mầu nhiệm như thế, làm sao các môn để có thể “chịu nổi”? Chịu nổi ở đây là “mang lấy”, là hiểu và sống với lòng tín thác, như chính Đức Giê-su sẽ “mang lấy” trong cuộc Thương Khó. Chỉ có Chúa Thánh Thần sự thật mới có thể dẫn các môn đệ tới “sự thật toàn vẹn” mà thôi; “Sự thật toàn vẹn” về Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, “hoàn tất mọi sự” (Ga 19, 28) nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
Đức Ki-tô đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua theo “Ý Muốn của Chúa Cha” (x. Mc 14, 36). “Kế hoạch hay ý muốn của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách, sách Kinh Thánh:
Để cho Kinh Thánh được hoàn tất. (Ga 13, 18; 15, 25; 19, 24.28.36)
Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh. (1Cr 15, 3-4)
Nhưng Kinh Thánh là những cuốn sách “biết nói”, bởi vì từng trang sách của Kinh Thánh qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Người thiết lập cho Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.
Theo Thánh Vịnh 136, Kinh Thánh được hình thành bởi hai chiều kích căn bản: Sáng Tạo (c. 4-9) và Lịch Sử (c. 10-24); và cả hai đều hướng đến ơn huệ “Tấm Bánh” (c. 25). Hai chiều kích này hiện diện từ “thủa tạo thiên lập địa” và trong mỗi ngày sống của chúng ta. Lịch sử của dân tộc Israel là “Lịch Sử Cứu Độ”, được ghi chép lại thành bộ sách gồm ba phần chính và ba phần này đại diện cho toàn bộ Kinh Thánh, như chính Đức Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh long trọng tuyên bố:
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hi-lạp: như đã được viết): Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. (Lc 24, 44-46)
Mầu nhiệm Vượt Qua tương hợp với Kinh Thánh và với Tấm Bánh; Kinh Thánh tương hợp với Tấm Bánh. Nhận ra những tương hợp này sẽ làm cho “con tim chúng ta bừng cháy” (x. Lc 24, 13-35), vì đụng chạm đến chốn thâm sâu của hữu thể chúng ta (à la profondeur de notre être).
2. Thánh Thần sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn (c. 13b-14)
Đức Giê-su nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Và sự thật toàn vẹn là chính ngôi vị của Người trong tương quan với lịch sử cứu độ, như chúng ta vừa trình bày ở trên. Chính vì thế,
– Thánh Thần không tự mình nói điều gì.
– Người nghe và người nói lại, người loan báo cho các môn đệ.
– Và Người nghe từ chính Đức Ki-tô chết và phục sinh.
Như thế, sứ mạng của Thánh Thần là “tôn vinh Đức Ki-tô”, bằng cách dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô, khơi dậy nơi chúng ta lòng tin nơi Đức Ki-tô, soi sáng trí khôn của chúng ta để giúp chúng ta hiểu sâu xa Đức Ki-tô và đốt cháy tình yêu của chúng ta dành cho Đức Ki-tô. Vậy, mỗi khi chúng ta tin, hiểu và yêu Đức Ki-tô, chúng ta sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta chịu ơn Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần tôn vinh Đức Ki-tô như thế đó, hoàn toàn xóa mình đi để hướng loài người và từng người chúng ta về với Đức Ki-tô, như Đức Giê-su đã nói:
Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. (Ga 15, 26)
Chúng ta được mời gọi tôn vinh Đức Ki-tô theo cách của Chúa Thánh Thần, trong đời sống và sứ vụ của chúng ta.
3. Chúa Cha nguồn của mọi sự và thông truyền mọi sự (c. 15)
Chúa Thánh Thần lấy những gì là của Đức Ki-tô, và Người không tự mình nói điều gì. Nhưng, mọi sự của Đức Ki-tô lại có nguồn gốc nơi Thiên Chúa Chúa: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”, bởi vì mọi sự của Cha là của Con và mọi sự của Con là của Cha.
Như thế, những gì Chúa Thánh Thần thông truyền cho chúng ta có nguồn từ chính Thiên Chúa Cha, và đến từ sự hiệp thông trọn vẹn của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.
* * *
Chúng ta được mời gọi mở lòng ra để đón nhận sự hiện diện và sự thôi thúc của Thánh Thần, để Người làm cho chúng ta nên một, như Thiên Chúa Ba Ngôi Thiên Chúa là một, vì chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa” (x. St 1, 16)[1], bằng cách chia sẻ cho chúng ta tình yêu và sự sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa ngay hôm nay và luôn mãi.
___________________
[1] Có thể đọc bài “Sáng Tạo bằng Lời” (St 1, 1-2, 4a)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc