Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (20,19-23)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.
Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
***********
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi giảng dạy và làm phép rửa cho muôn dân. Để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ nơi Chúa Kitô phục sinh, sứ vụ của chính Giáo Hội, các môn đệ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa với họ. Lịch sử của Giáo Hội khởi đầu từ đây: từ một nhóm người Galilê đang sợ hãi, nghi ngờ, bối rối, sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã làm cho họ trở thành những chứng nhân can đảm, kiên cường, bất chấp gian nguy, ngay cả mạng sống của mình để Tin Mừng Chúa được loan báo trên khắp hoàn cầu, để Danh Chúa được truyền tụng cho mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đại.
Như thế, Giáo Hội được khai sinh vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Bài tường thuật của thánh Luca về lễ Ngũ Tuần (bài đọc I) mang nhiều ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Trước tiên, lễ Ngũ Tuần là lễ tưởng niệm việc Thiên Chúa ban bố lề Luật và thiết lập giao ước Xi-nai với dân Người. Nói cách khác, đây là lễ của người Do Thái mừng việc thành lập dân Israel.
Ở đây, ta thấy rõ mối liên hệ giữa ý nghĩa của lễ này với việc thành lập Dân mới của Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Tác động của Ngôi Ba Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng qua gió và lửa, là hai dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Tiếp đó, đám đông người quy tụ lại, dù ngôn ngữ bất đồng, họ vẫn hiểu những gì các Tông Đồ nói. Điều này nhấn mạnh đến lời mời gọi tất cả các dân tộc, không phân biệt ngôn ngữ, mầu da hoặc giai cấp, mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi gia nhập Dân Chúa, cùng hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần.
Vì thế, vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội đã rời một nơi nhỏ để được phóng vào quỹ đạo của lịch sử nhân loại, giống như một đứa trẻ từ bụng mẹ được sinh ra cho cuộc phiêu lưu vĩ đại của sự sống và tình yêu. Và cuộc phiêu lưu này chưa kết thúc, vì hôm nay chúng ta vẫn đang trong cuộc phiêu lưu này.
Chúng ta nói về Giáo Hội, nhưng đó là Giáo Hội nào? Ngày nay, ngày càng có nhiều người Công giáo cảm thấy không thoải mái trong Giáo Hội. Họ nói: “Tôi tin Chúa Giêsu, nhưng tôi không tin Giáo Hội!” Vì thế chúng ta dành ít phút để tìm hiểu bốn đặc tính của Giáo Hội mà chúng ta tuyên xưng mỗi khi đọc Kinh Tin Kính: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.
– Trước tiên, Giáo Hội duy nhất. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chỉ có một Giáo Hội là “thân thể của Chúa Kitô”. Nhưng Giáo Hội không đồng đều và đơn điệu. Ngay ngày đầu tiên của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần đã cho chúng ta hiểu biết điều này. Người không loại bỏ sự đa dạng bao la của các ngôn ngữ và các nền văn hóa. Thật phong phú trong sự đa dạng! Sự hiệp nhất của Giáo Hội là hiệp nhất trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh. Nhưng còn rất nhiều việc phải làm và rất nhiều cố gắng phải có để tôn trọng sự đa dạng này trong sự hiệp nhất và sự hiệp thông!
– Thứ hai, Giáo hội thánh thiện. Sự thánh thiện ở đây không phải là không có tội lỗi hay không tì vết. Giáo Hội là thánh thiện, hay nói đúng hơn là Giáo Hội được thánh hóa, bởi vì Giáo Hội là một phần của nhân loại chấp nhận trở thành, ngày qua ngày, nơi Chúa Cha và Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần, đến cư ngụ giữa loài người. Sự thánh thiện của Giáo Hội không xóa bỏ được những hạn chế và tội lỗi của các thành viên, ngay cả khi một số thành viên họ được mang tước hiệu “Đức Cha”, “Đức Ông” hay “Đức Thánh Cha”! Giáo Hội là nơi con người mà tình yêu của Chúa mang màu sắc của lòng thương xót.
– Thứ ba, Giáo hội công giáo. Từ này rất dễ bị hiểu sai. Nó đã trở thành đồng nghĩa với phần Phương Tây và La Mã của Giáo Hội. Nhưng từ “công giáo” có nghĩa là “phổ quát”. Giáo Hội là “công giáo” bởi vì Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ làm “chứng nhân của Người cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Giáo Hội không có biên giới, và vì thế không có nhân viên hải quan nào kiểm soát chặt chẽ các thành viên của mình. Một lần nữa, vẫn còn nhiều việc phải làm và rất nhiều cố gắng phải có để loại bỏ mọi hàng rào cản!
– Thứ tư, Giáo hội tông truyền. Giáo Hội bắt nguồn từ đức tin và chứng tá của các Tông đồ. Giáo Hội phải không ngừng đến uống tại nguồn này để trở nên dòng sông lớn của Thiên Chúa là Đấng luôn hiện diện với con người hôm nay, và để làm dân của Chúa. Theo bước các Tông đồ, mọi Kitô hữu đều là “tông đồ”, nghĩa là được sai đi để làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người.
Hôm nay, chúng ta tiếp tục xây dựng Giáo Hội, hiệp nhất trong sự đa dạng. Chúng ta đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã nhận Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và hiệp nhất trong Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô, như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc II. Nếu chúng ta để Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, chúng ta sẽ là một Giáo Hội cởi mở, ân cần và khoan dung. Mỗi người chúng ta sẽ có lòng nhân từ cao cả đối với tất cả những người mà Chúa đặt trên đường đi của chúng ta, trong môi trường sống và làm việc của chúng ta cũng như trong giáo xứ, cộng đoàn của chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa