TIN MỪNG (Xh 34, 4b-6.8-9; 2Cor 12, 11-13; Ga 3, 16-18)
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****************
Lễ Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta cử hành trọng thể hôm nay, là điểm tới của cả một hành trình phụng vụ thật dài. Hành trình này bắt đầu với Tuần Thánh, vốn là trung tâm của năm phụng vụ; và trong Tuần Thánh, chúng ta đã tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su-Ki-tô, Chúa chúng ta.
Sau Tuần Thánh, chúng ta được dẫn vào mùa Phục Sinh, là mùa vừa mới kết thúc cách đây một tuần. Vì thế, chúng ta còn nhớ rõ, có nhiều mầu nhiệm lớn được cử hành trong mùa Phục Sinh: mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô, mầu nhiệm Lên Trời của Ngài, mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống, mà chúng ta mới cử hành vào Chúa Nhật tuần trước.
Và sau cùng, hôm nay chúng ta tôn vinh cách trọng thể Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy, tại sao chúng ta không tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi ngay từ đầu, nhưng phải đợi đến bây giờ, ở cuối một hành trình phụng vụ thật dài? Chúng ta có thể đoán ra lí do một cách dễ dàng. Bởi lẽ, điều này có một lí do rất đơn giản: chúng ta không thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lí thuyết hay bằng những kiến thức đến từ những định nghĩa, diễn giải hay suy tư trong sách vở, nhưng chỉ bằng kinh nghiệm mà thôi: kinh nghiệm nơi sáng tạo, nơi lịch sử và nhất là nơi cuộc đời mình, hành động yêu thương và yêu thương đến cùng của Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần.
Khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta được mời gọi không chỉ ca mừng Chúa Ba Ngôi, nhưng còn khám phá những lí do để cho lời ca mừng trở nên đích thật, đó là đọc lại đời mình, dưới ánh sáng của hành trình phụng vụ, để nhận ra tất những gì Thiên Chúa, là Cha, là Con và là Thánh Thần “đã làm” cho chúng ta một cách thiết thân. Cũng giống như trong một gia đình, những người con chỉ hiểu và yêu mến cha mẹ, “ca mừng” cha mẹ, sau khi đã nhận ra ơn sự sống, ơn tha thứ và tất cả những gì cha mẹ đã làm cho mình.
Một cách cụ thể, Lời Chúa trong các bài đọc trong Thánh Lễ kính Chúa Ba Ngôi hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận ra, đón nhận và sống “Ơn sủng Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”, vốn là lời ước nguyện mà Giáo Hội dành cho chúng ta mỗi ngày, khi cử hành Thánh Lễ.
1. Ba Ngôi Thiên Chúa
a. “Ơn sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”
Qua phép rửa, nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta được trở nên môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Được trở nên môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô là ơn sủng của mọi ân sủng. Và vì là môn đệ, chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô, như Thánh Phao-lô nói: “Vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8, 17)
Chính vì thế, “ơn sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”, theo Thánh Phao-lô trong bài đọc 2, trích thư gởi tín hữu Roma, đó là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Người làm cho chúng ta được nên công chính, chứ không phải chúng ta tự làm cho mình trở nên công chính. Và vì được nên công chính, bởi lòng tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, được dẫn lối để đi vào hưởng ân sủng của chính Thiên Chúa và tự hào về niềm hi vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Đức Ki-tô là đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, bởi vì theo sách Châm Ngôn, Người là Đức Khôn Ngoan hiện diện bên Thiên Chúa như tay thợ cả, trong công trình tạo dựng trời đất.
Và trên đường đi hướng về điều mà chúng ta hi vọng, chúng ta được mời gọi trở nên môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Với mầu nhiệm Vượt Qua, Ngài đã chia sẻ tất cả những gì là của Ngài cho chúng ta: Lời của Ngài, Mình và Máu của Ngài, Cha của Ngài và tình yêu của Người. Chúng ta được mời gọi lắng nghe Ngài trong mọi sự và ở mọi lúc mọi nơi, với tư cách là môn đệ, để yêu mến và đi theo Ngài hơn, thay vì đi theo, nghĩa là làm nô lệ cho một ai khác hay một điều gì khác.
b. “Tình yêu của Chúa Cha”
Chiêm ngắm công trình tạo dựng, dưới ánh sáng của Lời Chúa (x. St 1), chúng ta sẽ nhận ra rằng, Thiên Cha tạo dựng con người không vì điều gì khác hơn là muốn thông truyền sự sống của Người vì Tình Yêu, bởi vì Người là Tình Yêu, và Tình Yêu tự bản chất là thông truyền, thông truyền tất cả dù con người có ra như thế nào. Và bài đọc 1, trích sách Châm Ngôn, diễn tả Tình Yêu thông truyền của Thiên Chúa bằng một ngôn ngữ rất lạ lùng, nhưng đầy niềm vui, vốn là hoa trái của Tình Yêu:
Ngày ngày Ta (Đức Khôn Ngoan) là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người. (Cn 8, 30-31)
Lời này được thực hiện cách cụ thể và trọn vẹn trong lịch sử cứu độ, hướng tới và được hoàn tất bởi Đức Giêsu Kitô, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Thực vậy, vì tình yêu nhưng không, Ngài đi vào tương quan thiết thân với một dân tộc, là Israel, để vừa tỏ bày cho loài người biết thế nào là tình yêu, vì tình yêu chỉ có thể được bày tỏ qua tương quan một một, và thế nào là tình yêu trung tín bất chấp sự bất trung của con người. Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện cách trọn vẹn và đi đến cùng nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhưng không phải dành cho một dân tộc, nhưng dành cho muôn dân và cho từng người chúng ta.
c. “Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (c. 12). Chúng ta có thể tự hỏi, đó là những điều gì, lớn lao và nặng nề đến độ các môn đệ không thể “chịu nổi”, hay dịch sát nghĩa tiếng Hi-lạp, không thể “mang lấy”?
Đức Giê-su nói lời này trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nên đó chỉ có thể là mầu nhiệm Vượt Qua mà Người sắp hoàn thành mà thôi. Thế mà, lịch sử cứu độ hướng về mầu nhiệm Vượt Qua, như trong mầu nhiệm hiển dung, hình ảnh ông Mô-se và ông Ê-li-cùng đàm đạo với Đức Giê-su và nội dung cuộc đàm đạo, nói cho chúng ta biết: “Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a.31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9, 30-31). Và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ, như chính Đức Ki-tô phục sinh nói với các môn đệ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).
Mầu nhiệm Vượt Qua có tầm mức lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, có tầm mức lịch sử phổ quát, trong đó có lịch sử của từng môn đệ và của từng người chúng ta. Một mầu nhiệm như thế, làm sao các môn để có thể “chịu nổi”? Chịu nổi ở đây là “mang lấy”, là hiểu và sống với lòng tín thác, như chính Đức Giê-su sẽ “mang lấy” trong cuộc Thương Khó. Chỉ có Chúa Thánh Thần sự thật mới có thể dẫn các môn đệ tới “sự thật toàn vẹn” mà thôi; “Sự thật toàn vẹn” về Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, “hoàn tất mọi sự” (Ga 19, 28) nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
Đức Giê-su nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Và sự thật toàn vẹn là chính ngôi vị của Người trong tương quan với lịch sử cứu độ. Chính vì thế,
– Thánh Thần không tự mình nói điều gì.
– Người nghe và người nói lại, người loan báo cho các môn đệ.
– Và Người nghe từ chính Đức Ki-tô chết và phục sinh.
Như thế, sứ mạng của Thánh Thần là “tôn vinh Đức Ki-tô”, bằng cách dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô, khơi dậy nơi chúng ta lòng tin nơi Đức Ki-tô, soi sáng trí khôn của chúng ta để giúp chúng ta hiểu sâu xa Đức Ki-tô và đốt cháy tình yêu của chúng ta dành cho Đức Ki-tô. Vậy, mỗi khi chúng ta tin, hiểu và yêu Đức Ki-tô, chúng ta sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta chịu ơn Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần tôn vinh Đức Ki-tô như thế đó, hoàn toàn xóa mình đi để hướng con người về với Đức Ki-tô. Chúng ta chúng ta được mời gọi tôn vinh Đức Ki-tô theo cách của Chúa Thánh Thần, trong đời sống và sứ vụ của chúng ta.
Chúa Thánh Thần lấy những gì là của Đức Ki-tô, và Người không tự mình nói điều gì. Nhưng, mọi sự của Đức Ki-tô lại có nguồn gốc nơi Thiên Chúa Chúa: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”, bởi vì mọi sự của Cha là của Con và mọi sự của Con là của Cha. Như thế, những gì Chúa Thánh Thần thông truyền cho chúng ta có nguồn từ chính Thiên Chúa Cha, và đến từ sự hiệp thông trọn vẹn của chính Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúng ta được mời gọi mở lòng ra để đón nhận sự hiện diện và sự thôi thúc của Thánh Thần, để Người làm cho chúng ta nên một, như Thiên Chúa Ba Ngôi Thiên Chúa là một, bằng cách chia sẻ cho chúng ta tình yêu và sự sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa ngay hôm nay và luôn mãi. Đó chính là “Ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.
2. Thiên Chúa là tình yêu
Lời của Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng, nói cho chúng ta rõ nhất về khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, về con tim của Thiên Chúa, về cõi lòng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời.
Lời nói này của Đức Giêsu thật dịu dàng, an ủi vỗ về chúng ta, và nhất là làm cho chúng ta có can đảm trở về với Thiên Chúa như người con hoang đàng. Thiên Chúa yêu thế gian, nghĩa là yêu tất cả nhân loại và yêu từng người trong nhân loại, dù con người là ai và đang ở tình trạng nào; Thiên Chúa yêu nhân loại, đơn giản là vì Ngài sinh ra nhân loại. Giống như cha mẹ một khi đã sinh con, con nên người thì vui, con hư hỏng thì buồn, nhưng luôn luôn yêu con, dù người con có như thế nào.
Và Thiên Chúa không yêu sơ sơ hay yêu tạm thời, nhưng Ngài yêu trọn vẹn và mãi mãi, bởi vì Ngài yêu loài người đến nỗi ban chính Con Một của mình; Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Một cũng là Con Duy Nhất của Ngài. Cho đi Người Con Duy Nhất chính là cho đi chính mình, bởi vì Cha và Con là một.
Những lời này của Đức Kitô còn đặc biệt mặc khải cho chúng ta chiều sâu của tình yêu của Thiên Chúa Cha được thể hiện nơi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời làm cho con người hiểu tội và nhất là thấy tội. Vì thế, Thập Giá không chỉ mời gọi chúng ta suy tôn, nhưng nhất là còn mời gọi chúng ta tin tưởng, gắn bó và yêu mến, bởi vì ơn cứu độ và sự sống muôn đời được Thiên Chúa ban cho chúng ngang qua một ngôi vị, ngang qua Đức Kitô, Con Thiên Chúa, chịu đóng đinh.
– Nơi Đức Kitô chịu đóng đinh, chúng nghiệm được tình yêu đến cùng và bao dung của Thiên Chúa.
– Nơi Đức Kitô chịu đóng đinh, chúng ta cũng nhận ra được Con Đường để đáp lại tình yêu Thiên Chúa.
– Và vì thế, Đức Kitô chịu đóng đinh trở thành đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta. Và ngài cũng ước ao như thế, vì với mỗi người chúng ta, Ngài cũng hỏi: “Con có mến Thầy không?”
* * *
Cuộc Thương Khó của Đức Kitô mà chúng ta đã tưởng niệm cách trọng thể vào Tuần Thánh, bí tích rửa tội, bí tích hòa giải và nhất là bí tích Thánh Thể, tỏ bày cho chúng ta tình yêu cho đi chính Con Một, chính bản thân mình của Thiên Chúa. Vấn đế là chúng ta có chịu tin hay không?
Tin có nghĩa đón nhận, đón nhận tình yêu Thiên Chúa, đón nhận Đức Giêsu Con Thiên Chúa vào cuộc đời mình với những may rủi, với những thuận lợi cũng như khó khăn, với những biến cố vui buồn, những thành công và thất bại; tin vào Con Thiên Chúa, là đón nhận ánh sáng của Ngài vào ơn gọi của mình, ơn gọi hôn nhân hay tu trì, vào hướng đi của mình, vào cách sống của mình; tin vào Con Thiên Chúa là để cho Lời của Ngài hướng dẫn những lựa chọn lớn trong cuộc đời của chúng ta, cũng như những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. Tin vào Con Thiên Chúa như thế, chúng ta sẽ sống sung mãn, sống bình an, sống hạnh phúc thực sự, không phải ở đời sau, nhưng ngay hôm nay.
Ngược lại, khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta bị rắn độc cắn. Bị rắn độc cắn, thì đương nhiên là chết, không cần phải ai bắt mình ra xét xử, lên án và thi hành án phạt. Như chính Đức Giêsu nói:
Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta cần ghi lòng tạc dạ lời này của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian…”; chúng ta đừng bao giờ nghi hoặc, hay đừng để cho bất cứ ai hay lời nói hoặc lời dạy nào làm cho chúng ta nghi hoặc tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, bày tỏ ra cho chúng ta nơi Đức Kitô, như thánh Phao-lô xác tín:
Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)
3. “Xin ban cho con ân sủng và tình yêu”
Dưới ánh sáng Lời Chúa trong Thánh Lễ kính Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi nhớ lại mọi ơn lành đã lãnh nhận từ Ba Ngôi Thiên Chúa: ơn tạo dựng, ơn cứu chuộc và các ơn riêng; để qua đó, chúng ta có thể nhận ra Người hiện diện và hành động trong thế giới sáng tạo, trong lịch sử loài người và nơi từng người chúng ta, và nhất là nhận ra mọi sự tốt lành, chẳng hạn khả năng của con người, sự công chính, lòng nhân từ, lòng thương xót… đều đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa, như những tia sáng từ mặt trời chiếu xuống, như nước trong nguồn chảy ra.
Nhớ lại mọi ơn huệ và hiểu biết thâm sâu như thế về tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ có lòng ước ao yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự, với lòng biết ơn; và có thể thân thưa với Chúa mỗi ngày và suốt đời:
Lạy Chúa, Xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con. Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa hết thảy. Tất cả là của Chúa.
Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa. Vì được như thế, là đủ cho con. Amen.
(Sách Linh Thao, số 234)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc