Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG (Mt 13, 36-43)
36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”
37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.
41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
**************
1. Các dụ ngôn về Nước Trời
Khi nói về Nước Trời, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn: dụ ngôn Người Gieo Giống, dụ ngôn Cỏ Lùng, dụ ngôn Hạt Cải, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn Kho Tàng, dụ ngôn Viên Ngọc và dụ ngôn mẻ lưới (x. Mt 13, được đọc kể từ Chúa Nhật XV Thường Niên, năm A). Như thế, một dụ ngôn không thể diễn tả hết được mầu nhiệm Nước Trời; và để hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời, chúng ta cần lắng nghe nhiều dụ ngôn; vì mỗi dụ ngôn nói cho chúng ta một khía cạnh về mầu nhiệm Nước Trời.
Còn một điều khác, rất thú vị, chúng ta cũng cần để ý, đó là, để giúp chúng ta hiểu Nước Trời, ngang qua các dụ ngôn, Đức Giê-su khởi đi từ những điều rất đời thường ở dưới đất, đó là hạt giống, cây lúa, cọng cỏ, đánh bắt cá, kho tàng, viên ngọc. Do đó, chúng ta được mời gọi “bắt chước” Đức Giê-su, và nhất là dưới ánh sáng đến từ ngôi vị của Ngài, từ lời nói và hành động của Ngài và nhất là từ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhìn, nghe và sống những thực tại đời thường trong thiên nhiên và trong đời sống của chúng ta, như là những “dụ ngôn” nói về Nước Thiên Chúa và nói về chính Thiên Chúa.
* * *
Dụ ngôn Người Gieo Giống (13, 1-23) là dụ ngôn đầu tiên, vì thế là dụ ngôn của mọi dụ ngôn, là “dụ ngôn mẹ”. Thực vậy, dụ ngôn này mặc khải cho chúng ta “những điều được giữ kín từ thủa tạo thiên lập địa” (c. 35), đó là mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trong Sáng Tạo, mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trong Lịch Sử, ngang qua những mảnh đất khác nhau và những hình ảnh nói về tội và Sự Dữ, về mầu nhiệm Nhập Thể và về mầu nhiệm Vượt Qua. Do đó, các Tin Mừng kể về dụ ngôn này dài nhất: dụ ngôn Người Gieo Giống (c. 1-9); ngôn ngữ dụ ngôn (c. 10-17); giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống (c. 18-23). Và vì tầm mức quan trọng của dụ ngôn Người Gieo Giống, nên Đức Giê-su đã trách các môn đệ, khi họ xin Người giải thích: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu các dụ ngôn khác” (Mc 4, 13).
Sau dụ ngôn Người Gieo Giống, Đức Giê-su kể thêm một loạt sáu dụ ngôn. Tùy theo nội dung, các dụ ngôn này có thể được sắp xếp như sau:
(1) Dụ ngôn cỏ lùng và mẻ lưới nói về thời điểm tận cùng chắc chắn sẽ xẩy ra và về hành động của chính Thiên Chúa tách biệt ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết, điều tốt và điều xấu, những người công chính và những người gian ác.
(2) Dụ ngôn hạt cải và nắm men nói về sự lớn mạnh và viên mãn tất yếu của Nước Trời, do dù điểm khởi đầu rất nhỏ bé, giới hạn và khiêm tốn.
(3) Hai dụ ngôn kho tàng và viên ngọc quí khá giống nhau, vì đều nói đến thời gian sống hôm nay và đến hành động của con người, hành động này là sự lựa chọn dứt khoát, triệt để và trong niềm vui hướng về điều rất cao quí mình hằng ao ước và tìm kiếm.
Các dụ ngôn này soi sáng cho nhau, bởi vì nếu nhóm dụ ngôn thứ nhất chất vấn chúng ta và làm cho chúng ta sợ hãi, thì nhóm dụ ngôn thứ hai và thứ ba mang lại cho chúng ta niềm hi vọng và chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua sự sợ hãi, đó là lòng khao khát và tìm kiếm “Điều Cao Quí”. Và “Điều Cao Quí”, chính là Đức Ki-tô, là lựa chọn và dấn thân trọn vẹn, triệt để và dứt khoát để có được “Điều Cao Quý”, như kinh nghiệm của chính thánh Phao-lô:
Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Phil 3, 7-8)
2. “Dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng”
Chúng ta đã nghe Đức Giê-su kể dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa trong bài Tin Mừng của ngày thứ bảy sau Chúa Nhật XVI Thường Niên (Mt 13, 24-30); và trong bài Tin Mừng hôm nay, Người giải thích dụ ngôn này cho các môn đệ.
Dụ ngôn nói về thế giới chúng ta đang sống giống như cánh đồng lúa, trong đó có lúa, nhưng cũng có cỏ, cỏ ở khắp nơi; hay giống như cá ở dưới biển: có đủ thứ cá, cá tốt và cá xấu (x. Mt 13, 47-50). Nghe lời giải thích của chính Đức Giê-su về dụ ngôn cỏ lùng, chúng ta cần ghi nhận rằng, chính kẻ thù đã gieo điều xấu. Điều này có nghĩa là, điều xấu không đến từ chúng ta, nhưng đến từ bên ngoài, từ Quỉ Dữ, từ Con Rắn (x. St 3). Sự thật này phải giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi chết chóc, và cởi bỏ khỏi lòng chúng ta trách nhiệm hoàn toàn đối với sự dữ và tội lỗi. Sự dữ đến từ bên ngoài và mạnh hơn chúng ta; vì thế, chúng ta là nạn nhân cần được thương cảm hơn là lên án. Nhưng nếu Sự Dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn Sự Dữ. Lịch sử cứu độ, mà điểm tới là Mầu nhiệm Vượt Qua, nói cho chúng ta chân lí này.
Dụ ngôn này nói cho chúng ta biết rằng cây lúa, nghĩa là sự thiện, vẫn được bảo vệ và gìn giữ cho đến cùng, nghĩa là cho đến mùa gặt. Vì thế, chúng ta không cần phải đối đầu với sự dữ để chống chọi với sức của chúng ta, bởi vì Đức Giê-su mời gọi chúng ta “Đừng chống lại kẻ dữ” (5, 39)[1]. Hơn nữa, chúng ta đâu có chống lại được Sự Dữ (x. St 3, 1-7). Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã sống lời này của Ngài, và sống cho đến cùng.
* * *
Bởi vì, sự dữ chỉ có thể bị đánh bại bởi Đức Ki-tô và theo cách thức của Người, và đã được loan báo bởi Kinh Thánh:
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (Tv 8, 3)
Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng hãy để cho Chúa chiến đấu và “Chiến thắng trong cuộc đời của chúng ta” (TH Gaudete et Exsultate, số 158; đọc Đức Giê-su chiến thắng Satan trong Mt 4, 1-11)[2]. Vậy, chúng ta được mời gọi nhận ra “phần đất tốt” vốn có nơi chúng ta, bởi vì, chúng ta được dựng nên bởi Ngôi Lời (x. St 1 và Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời và cho Ngôi Lời, nhận ra “hạt giống” tốt lành đã được gieo, và vẫn được gieo cách quảng đại mỗi ngày, và để cho hạt giống tốt Chúa đã gieo lớn lên, có sức mạnh lấn át, theo cách thức của ánh sáng đánh tan bóng tối, những điều xấu đến từ Ma Quỉ, và sinh hoa kết quả gấp trăm.
3. Mùa gặt
Sự phân loại sau cùng là điều tất yếu, vì sẽ đến lúc ánh sáng, sự sống và sự thiện sẽ phải tách rời tuyệt đối khỏi bóng tối, sự chết và sự dữ; đó là lúc chúng ta phải trở về với Chúa hay vào ngày tận thế; và thời điểm này có thể làm cho chúng ta sợ hãi, bởi vì chúng ta hay tự xếp bậc, xếp loại mình, hoặc xếp bậc, xếp loại nhau.
Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người… Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. (c. 41 và 43)
Chúng ta hãy để cho Chúa “xếp loại” chúng ta: chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được sinh ra và được tái sinh làm con Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Vì thế, trong Ngài, không còn lên án nữa (x. Rm 8, 1): chúng ta là giống tốt sinh ra lúa tốt, chúng ta là “cá tốt” chứ không phải cá xấu, là chiên chứ không phải là dê (x. Mt 25) !
Chắc chắn, chúng ta sẽ là những “người công chính” (c. 43) vào “mùa gặt”, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của cuộc sống và của thời gian, vào thời điểm mà chỉ còn một mình Thiên Chúa mới có thể hành động mà thôi. Chúng ta là những người công chính không phải là do nỗ lực của chúng ta, vì chúng ta không thể tự tạo cho mình đức công chính của Nước Trời xuất phát từ con tim (x. Mt 7, 17-48), nhưng là đức công chính đích thực mà Đức Ki-tô chết và phục sinh ban cho chúng ta, như thánh Phao-lô nói:
Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang. (Rm 8, 30)
___________________
[1] Cần phân biệt Sự Dữ xét như là Sự Dữ và những nỗ lực thanh luyện, rèn luyện các nhân đức và nỗ lực loại bỏ những thói hư tật xấu.
[2] Có thể đọc Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE của ĐTC Phanxicô, về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay (19/03/2018), chương năm: CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC và PHÂN ĐỊNH, số 158-175.