Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG (Mt 19, 13-15)
13 Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.
14 Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”
15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*******************
1. Đức Giê-su và trẻ em
Như chúng ta đều biết, Đức Giêsu có thái độ ưu ái đặc biệt đối với trẻ em. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe chứng tỏ điều này, khi Người nói với các môn đệ đang ngăn cản trẻ em đến với Người: “Cứ để trẻ em đến với Thầy”. Và trước đó, ở đầu chương 18 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Người còn nói những lời mạnh mẽ hơn:
Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại
mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này,
người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (18, 3-4)
Tại sao Đức Giêsu lại thương mến trẻ em như vậy? Bởi lẽ, yêu thích trẻ em là một khuynh hướng rất tự nhiên. Thực vậy, ai trong chúng ta cũng thích trẻ em, và Đức Giêsu cũng vậy. Có lẽ đó là vì chúng ta nhận ra nơi trẻ em có cái gì đó vừa nguyên tuyền và vừa kì diệu: nguyên tuyền vì “nhân chi sơ tính bản thiện”; kì diệu, vì em bé không thể chỉ là tác phẩm của cha mẹ, nhưng còn là và nhất là của Thiên Chúa nữa. Vì thế, khi em bé sinh ra “mẹ tròn con vuông”, cha mẹ và cả họ hàng đều tạ ơn Chúa, vì em bé còn là quà tặng của Thiên Chúa, còn là con Thiên Chúa nữa.
2. Nước Trời và trẻ em
Tuy nhiên, sự kiện Đức Giêsu ưu ái các em bé, còn có một lí do thiêng liêng:
Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,
vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. (c. 14)
Đức Giêsu đến để loan báo và xây dựng Nước Trời, và “công dân” kiểu mẫu của Nước Trời, chính là trẻ em, như Người đã nói: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
Chúng ta thường hiểu “trở nên giống như trẻ em”, là phải hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng. Nhưng rất tiếc là không thể được, vì ở tuổi của chúng ta, đó sẽ là “hồn nhiên và ngây thơ cụ”; với lại chúng ta thương tích đầy mình, làm sao mà trong trắng như trẻ em được. Vì thế, chúng ta phải hiểu lời của Đức Giêsu ở mức độ đơn sơ hơn, nhưng không kém phần sâu xa. Lời Chúa hướng chúng ta tới ơn gọi trở nên ở tương lai, chứ không phải bắt chúng ta phải trở lại và sống lại một tình trạng của quá khứ, cho dù là rất đáng trân quí.
(1) Trẻ em sống bằng tương quan. “Trẻ em” không thể sống một mình và không muốn sống một mình, nhưng luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, tương quan tình thương.
(2) Trẻ em là người con. Khi gặp một đứa trẻ, chúng ta thường hỏi, đó là con của ai? Bởi lẽ, trẻ em còn có nghĩa là “người con”, là con của ai đó. Vậy luôn sống như trẻ em, là luôn sống như một người con.
Chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa”, vì thế chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi sống tương quan Cha-Con với Thiên Chúa, dù chúng ta ở tuổi nào, dù chúng ta có chức tước gì hay bị rơi vào trong tình cảnh nào. Khuôn mẫu của chúng ta, là chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa; Ngài luôn luôn sống và sống đến cùng tương quan Cha-Con với Thiên Chúa. Và nếu tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa, “nhờ, trong và với” Đức Kitô, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau, dù về ngôn ngữ, chúng ta gọi nhau như thế nào đi nữa. Đó chính là Nước Trời. Cộng đoàn tu trì có sứ mạng làm chứng về Nước Trời, ngang qua đời sống của các thành viên, nhất là tương quan huynh đệ trong Chúa.
(3) Trẻ em, hình ảnh của sự hiền lành. Trẻ em thì hiền lành, vì ở độ tuổi này, không thể làm hại ai, không thể bạo lực. Vì thế, trẻ em là hình ảnh của sự hiền lành. Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành.
Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi:
Phúc thay những người hiền lành,
Vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5, 4)
3. Đức Giêsu và “con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen”
Lời mời gọi trở nên giống như trẻ em bắt nguồn từ chính Kinh Thánh, và sứ mạng của Người là làm cho lời Kinh Thánh được hoàn tất:
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. (Lc 24, 44)
Thật vậy, Tv 8 mời gọi chúng ta vừa nhìn lên trời cao, để nhận ra uy phong hay ánh quang của Thiên Chúa, và vừa nghe được tiếng hát, nghĩa là lời ca tụng (x.Tv 19): tiếng hát vang tận trời cao, hát về uy phong của Thiên Chúa. Nhưng là tiếng hát của ai? Thật bất ngờ, đó là tiếng hát của “con thơ trẻ nhỏ”[1].
Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (c. 2-3)
Chúng ta có thể dừng lại để cảm nhận những tương phản: tương phản quá lớn giữa uy phong Thiên Chúa và tiếng hát của em bé (như tiếng hát của các em bé trong Nhà Trẻ); tương phản giữa tiếng hát này và kẻ địch thù, đến độ khiến chúng phải tiêu tan! Những em bé, thật bất lực nhưng lại được coi là thích hợp nhất để hát mừng chiến thắng của Thiên Chúa. Tại sao vậy? Bởi vì, em bé thì hiền lành và là biểu tượng tốt nhất của sự hiền lành của Thiên Chúa.
Đức Giê-su không chỉ xác chuẩn lời Kinh Thánh kì diệu này, khi mời gọi chúng ta hãy đón nhận Nước Trời với tâm hồn của một trẻ em (Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 9, 13-15; Lc 18, 15-17), nhưng Ngài còn hoàn tất sứ mạng của em bé, nghĩa là sứ mạng chiến thắng những dã thú, nghĩa là thú tính, sự dữ, tội lỗi và bạo lực bằng sự hiền lành và tình yêu của Thiên Chúa, trong cuộc Thương Khó (x. Mt 21, 15-16).
Tv 8 còn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng con người, chiêm ngưỡng chính bản thân chúng ta, để nhận ra con người, bản thân chúng ta là một kì công của Thiên Chúa, dù con người, dù chúng ta có như thế nào: bẻ bỏng và chóng qua, nhưng:
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo:
đặt muôn loài muôn sự dưới chân. (c. 6-7)
Được tôn vinh trên “muôn loài muôn sự”, nhưng rốt cục theo Tv 8, con người chỉ có quyền trên loài vật mà thôi!
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển,
mọi loài ngang dọc khắp trùng dương. (c. 8-9)
Có lẽ não trạng hiện đại chẳng thấy “vinh quang và danh dự” gì nhiều nơi địa vị này của con người. Tuy nhiên, Kinh Thánh lại rất coi trọng, vì qua đó mặc khải Kinh Thánh diễn tả ơn gọi đích thực của con người. Chúa đặt để con người ở một vị trí đặc biệt, và đồng thời vị trí này cũng là một lời mời gọi: chúng ta được sinh ra là người, thì hãy sống như một con người, hãy sống nhân tính như là một hồng ân được ban tặng:
– Đừng tự biến mình thành thần linh. Pascal nói: “Ai tự làm mình thành thần linh, sẽ thành con vật” (Qui se fait ange, fait la bête), bởi vì sẽ phải loại trừ những người chống đối bằng sức mạnh, để thống trị và được tôn thờ.
– Và cũng đừng tự biến mình thành thú vật, nghĩa là đừng sống theo thú tính; thú tính là ham muốn nhau, ăn nhau, huỷ diệt nhau bằng bạo lực.
* * *
Tv 8 giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của sứ mạng thống trị muôn loài, mà Thiên Chúa đã trao cho con người từ thủa ban đầu: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1, 28). Đó là sứ mạng chế ngự thú tính; và chính trong mức độ con người chế ngự thú tính, hiện diện ngay trong nội tâm của mình, con người sống ơn gọi làm người, nghĩa là ơn gọi trở nên hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 27); và nhờ “kính sợ” Chúa, mà con người hoàn tất sứ mạng thống trị thú tính của mình, như sách Huấn Ca nói: “Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muông chim cầm thú.” (Hc 17, 4). Và chúng ta cũng có thể hiểu, lệnh truyền của Thiên Chúa trong vườn Eden, là lệnh truyền làm chủ lòng ham muốn, nghĩa là thống trị thú tính (x. St 2, 15-17).
Ơn gọi sống nhân tính đến cùng, không tự biến mình thành thần linh hay thành thú vật, đó là trở nên giống Đức Giêsu.
________________________
[1] Tv 8 được đọc trong tuần II, thứ bảy, giờ kinh sáng. Có thể đọc bài “Hiền Lành và Bạo Lực” (Tv 8).