Thánh Giêrônimô
Tiến Sĩ Hội Thánh
Hầu hết các thánh được nhớ đến là vì một vài nhân đức trổi vượt hay sự sùng kính đặc biệt của các ngài, nhưng Thánh Giêrônimô được nhớ đến là vì tính nóng nảy! Thật sự ngài rất nóng tính và có tài viết cay độc. Tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu thật mãnh liệt, nên bất cứ ai dạy bảo điều gì sai trái ngài đều coi là kẻ thù của Thiên Chúa và chân lý, và Thánh Giêrônimô theo đuổi người ấy đến cùng với lối viết táo bạo và đôi khi châm biếm.
Trên tất cả ngài là một học giả Kinh Thánh, dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Ngài cũng viết những bài chú giải là nguồn cảm hứng về kinh thánh cho chúng ta ngày nay. Ngài là một sinh viên nhiều tham vọng, một học giả thông suốt, một văn sĩ phi thường và là cố vấn cho các tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustine nói về ngài, “Ðiều mà Thánh Giêrôm không biết, thì thần chết cũng không biết.“
Thánh Giêrônimô đặc biệt nổi tiếng trong việc chuyển dịch Kinh Thánh mà cuốn ngài dịch được gọi là Vulgate. Ðó không phải là bộ Kinh Thánh tuyệt hảo nhưng được Giáo Hội công nhận đó là một kho tàng. Như các học giả ngày nay nhận xét, “Không ai trước thời Thánh Giêrônimô hay cùng thời với ngài và rất ít người hậu sinh sau đó hàng thế kỷ cũng không đủ khả năng để thực hiện công trình đó.” Công Ðồng Triđentinô đã tu sửa bản Vulgate và công bố đó là văn bản chính thức được dùng trong Giáo Hội.
Ðể thực hiện công trình đó, Thánh Giêrônimô đã phải chuẩn bị rất kỹ. Ngài là bậc thầy về tiếng La Tinh, Hy Lạp, Cổ Do Thái và Canđê. Học vấn của ngài bắt đầu từ nơi sinh trưởng, ở Stridon thuộc Dalmatia (Nam Tư cũ). Sau giai đoạn giáo dục sơ khởi, ngài đến Rôma, là trung tâm học thuật thời ấy, và đến Trier, nước Ðức, là nơi quy tụ các học giả. Mỗi nơi ngài sống một vài năm, để theo học với những bậc thầy tài giỏi.
Sau phần chuẩn bị kiến thức ngài tung hoành ở Palestine cốt để ghi nhận những nơi đã in dấu Ðức Kitô với lòng sùng kính dạt dào. Ngài cũng là một nhà thần bí, đã sống trong sa mạc Chalcis 5 năm để hy sinh cầu nguyện, hãm mình và nghiên cứu.
Sau cùng ngài dừng chân ở Bêlem, có một số các bà ở La Mã (con thiêng liêng của người) đi theo. Trong số ấy có thánh Paola và con gái là thánh Eustochium. Họ sống trong các tu viện chung quanh thánh đường Giáng Sinh ở Bethlehem. Còn Jerome đứng đầu một tu viện nam và sống trong một cái hang mà ngài tin rằng Ðức Kitô đã sinh hạ ở đấy. Ngài hiến dâng cuộc đời còn lại cho việc phiên dịch Thánh Kinh. Tất cả các bản Thánh Kinh La Ngữ gọi là bản Vulgate hay phổ thông đều do Jerome phiên dịch hoặc hiệu chính, ngoại trừ các sách Khôn Ngoan, Giảng Viên, Baruch và Macabê. Người cũng dịch lại bản Thánh Vịnh dịch ở La Mã và dùng trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Bản Vulgate được công nhận như bản chính thức của Giáo Hội Công Giáo.
Thánh Jerome qua đời tại Bethlehem ngày 30 tháng 9 năm 420. Thánh Paola và Eustochium qua đời trước. Xác thánh nhân được chôn cất kế bên hai người con thiêng liêng dưới hầm mộ của thánh đường Giáng Sinh. Nhưng sau đó thánh tích của thánh Jerome được chuyển về La Mã. Thi hài của ngài hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.
Đức Giáo Hoàng Boniface XIII đã tuyên xưng Thánh Jerome và Thánh Augustine là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 20 tháng 9 năm 1295
Lời Bàn
Thánh Giêrônimô là một người thẳng tính, cương quyết. Ngài có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, ngài là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Ngài mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrônimô đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “Ngài cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ phong thánh cho ngài” (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler).
Lời Trích
“Ở nơi xa xôi nhất của sa mạc hoang vu đầy đá sỏi, như thiêu đốt dưới cái nóng hực lửa của mặt trời đã khiến các tu sĩ cư ngụ nơi đây cũng phải khiếp sợ, tôi thấy mình như ở giữa những say mê và đàn đúm ở Rôma. Trong sự đầy ải và tù ngục mà tôi tự ý xử phạt mình vì sợ hỏa ngục, nhiều khi tôi thấy mình ở giữa đám thiếu nữ Rôma như tôi đã từng sống với họ: Trong cái cơ thể lạnh ngắt và trong da thịt nứt nẻ của tôi, dường như tôi đã chết trước khi thực sự chết, lại khao khát được sống. Cô đơn trước kẻ thù này, linh hồn tôi phủ phục dưới chân Ðức Giêsu, lấy nước mắt rửa chân Ngài, và tôi chế ngự xác thịt với những tuần lễ ăn chay. Tôi không xấu hổ để thố lộ những sự cám dỗ, nhưng tôi đau buồn vì trước đây tôi không được như bây giờ” (trích thư Thánh Giêrônimô gửi Thánh Eustochium).
Nguồn:https://dongten.net