Thờ cúng ông bà tổ tiên của người Công Giáo có từ khi nào?
Hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam và cũng là bổn phận của những người con theo Đạo. Bên cạnh việc phụng dưỡng, chăm lo cho ông bà cha mẹ khi còn sống, con cháu luôn phải nhớ ơn, siêng năng cầu nguyện khi họ qua đời. Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 08/12/1939 đã xin Tòa Thánh về việc tôn kính ông bà tổ tiên như sau:
- Người theo Đạo được phép thực hành các nghi lễ, hành vi, cử chỉ như treo hình, ảnh, thờ cúng, dựng tượng, tổ chức ngày giỗ, trưng đèn hoa… để tưởng niệm và thể hiện sự tôn kính đối với ông bà tổ tiên.
- Đạo Công giáo không cho phép những hành vi thờ cúng không phù hợp với giáo lý như đốt vàng mã hay xem bói tại nơi tế tự.
Cách ăn Tết của người Công Giáo
Không chỉ có sự khác biệt về cách trang hoàng bàn thờ Công giáo ngày Tết mà cách ăn Tết của những người theo Đạo cũng rất khác biệt. Người Công giáo sẽ không có hoạt động cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Ngoài ra, họ không có tục xông đất, đốt vàng mã và cúng vào mùng 1 hàng tháng.
Người Công giáo có cách đón năm mới rất riêng. Vào ngày mùng 1 Tết, cả gia đình thường có mặt tại nhà thờ từ rất sớm để tham dự buổi lễ đầu tiên trong năm mới. Bên cạnh ý nghĩa dâng lên Chúa những phút giây thiêng liêng của năm mới, thì buổi lễ này còn là dịp để tất cả con cháu gửi lời câu nguyện tới ông bà tổ tiên. Ngoài ra, các Giáo hữu cũng xem đây là cơ hội gặp gỡ để chúc tụng và trao nhau những điều tốt đẹp.
Đặc biệt trong buổi lễ, các Giáo dân sẽ được rút lộc tại nhà thờ. “Lộc” ở đây là những lời của Chúa mang ý nghĩa tốt đẹp, an lành. Các Giáo dân sẽ mang lộc về nhà, coi đó như lời răn dạy của Chúa cho năm mới và đặt tại những vị trí quan trọng trong nhà.
Bàn thờ Công giáo ngày Tết trang trí như thế nào?
Để thể hiện lòng tôn kính đối với Chúa và sự biết ơn dành cho ông bà, tổ tiên, bàn thờ Công giáo ngày Tết của những gia đình theo Đạo được sắp xếp vô cùng tỉ mỉ. Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Nha Trang vào ngày 12 – 14/11/1974 đã giải thích cụ thể về vấn đề bàn thờ Công giáo ngày Tết như sau:
- Bàn thờ gia tiên cần được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình. Đây là nơi thể hiện lòng biết ơn và dùng để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Trên bàn thờ không được trưng bày những thứ liên quan đến mê tín dị đoan.
- Các nghi lễ như đốt hương, vái lạy, đốt đèn, nến… trước bàn thờ tổ tiên thể hiện sự tôn kính, các Giáo hữu được phép thực hiện.
- Các Giáo dân không được phép thực hiện các hành vi thờ cúng không đúng với giáo lý của Công giáo như đốt vàng mã, bói toán… ở khu vực tế tự.