Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin Mừng (Mc 6, 53-56)
53 Khi qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ.
54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.
56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*******
1. Bệnh tật
Để cầu nguyện với bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, chúng ta nên hình dung ra khung cảnh người ta cáng bệnh nhân đến với Đức Giê-su:
Người đi tới đâu, vào làng mạc,
thành thị hay thôn xóm nào,
người ta cũng đặt kẻ ốm đau
ở ngoài đường ngoài chợ. (c. 56)
Hình ảnh ngoài đường ngoài chợ, đầy các bệnh nhân, diễn tả thân phận loài người chúng ta thuộc mọi thời, bởi vì không ai trong chúng ta có thế tránh được bệnh tật.
Ngày nay, chúng ta không còn thấy các bệnh nhân ngoài đường ngoài chợ như thế, nhưng không vì thế mà không còn các bệnh nhân. Ngược lại, các bệnh nhân có thể có nhiều hơn xưa, chẳng hạn ở các trung tâm hành hương và trong các bệnh viện, vì có những căn bệnh mới, thậm chí bệnh nan y, nhất là trong thời gian dịch bệnh. Và trong số những người bệnh, chắc chắn cũng có những người thân yêu của chúng ta, những người bạn, và những người chúng ta quen biết.
2. “Chạm đến tua áo choàng của Người”
Ai trong chúng ta cũng biết và có kinh nghiệm nữa, người bệnh không chỉ cần được chữa lành, tìm lại được sức khỏe, nhưng còn cần sự hiện diện, tình liên đới, lời cầu nguyện và sự cảm thông[1]. Và trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ cần như thế thôi.
Vì thế, khi nhìn ngắm cách người bệnh được Đức Giê-su chữa lành, chúng ta được mời gọi cảm nếm tình thương nhưng không Đức Giê-su dành cho người bệnh. Thật vậy, khi người ta xin Người cho những người bệnh ít là được chạm đến tua áo choàng của Người, và
Bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (c. 56)
“Bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi”. Bởi vì Người là “Ngôi Lời Thiên Chúa”, Ngôi Lời là sự sống và ánh sáng, nhờ Người và muôn vật được tạo thành (x. Ga 1, 3-4)[2].
Vì thế, Người cảm thương người bệnh một cách nhưng không, vô điều kiện, Ngài cảm thương thân phận loài người chúng ta biết bao. Và chắc chắn, Ngài vẫn còn cảm thương hôm nay và mỗi ngày, bởi vì không phải chúng ta cố đụng vào Người, nhưng chính Người đích đến đụng vào chúng ta, như lời Thánh Vịnh diễn tả: “Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139, 5), và trở nên một với chúng ta trong bí tích Thánh Thể:
Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. (Ga 15, 4)
3. Chữa lành bằng Thập Giá
Đức Giê-su chữa nhiều người bệnh, nhưng Ngài đã không chữa hết mọi người bệnh vào thời của Ngài, hết mọi người bệnh trong nhân loại, và nhất là không lấy đi nỗi đau khổ do bệnh tật khỏi thân phận con người. Ngược lại, Ngài lại ngang mang vào mình không chỉ bệnh tật nhưng trọn vẹn thân phận con người và đưa lên Thập Giá.
Người đã mang lấy các tật nguyền của ta
và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. (Mt 8, 11; x. Is 53, 4)
Ngài làm thế, để mời gọi chúng ta tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, dù thân phận và nỗi đau của mỗi người có như thế nào; vì chính Ngài cũng đã đón nhận thân phận bi đát nhất và nỗi đau lớn nhất của con người: thân xác Người nát tan trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, như một người bệnh và còn đau đớn hơn người bệnh; và Người không chỉ đau đớn trong thân xác, nhưng cả mang cả vào mình nỗi đau bị bỏ rơi:
Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con ?[3] (Tv 22, 2)
Nhưng với mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giê-su mặc khải cho loài người chúng ta rằng, thân phận con người, dù có như thế nào, không phải là ngõ cụt, nhưng là con đường dẫn đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa. Và sự sống viên mãn này đã được gieo và lớn lên rồi, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, ngay trong cuộc sống hôm nay, ngay giữa lòng đau khổ và bệnh tật, khi chúng ta sống không chỉ bởi sức khỏe và tất cả những gì liên quan đến sức khỏe, nghĩa là các phương tiện, nhưng còn bởi và mãi mãi bởi Lời và Mình Thánh của Người.
[1] Xem Thông Báo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về “Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus Corona”, ngày 02/02/2020.
[2] Có thể đọc các bài “Sáng tạo bằng Lời” (St 1).
[3] Có thể đọc bài “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con” (Tv 22).