Hỏi – Đáp thứ Bảy Tuần Thánh
(Dựa theo bản văn: Paschale Solemnitatis (viết tắt: Ps) – Đây là
Thông tư của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích về việc chuẩn bị và cử hành Đại Lễ Phục Sinh, ngày 16.1.1988)
1/ H: Ý nghĩa trọng đại của tối Thứ Bảy – Tối Canh Thức Vượt Qua (Canh Thức Vọng Phục Sinh)?
Theo truyền thống rất lâu đời, đêm nay là “đêm canh thức của Đức Chúa”, Lễ Vượt Qua được cử hành trong đêm nay để tưởng nhớ Đêm Thánh Chúa sống lại từ cõi chết ; và đêm nay được coi là “mẹ của mọi buổi canh thức phụng vụ”. Trong đêm Vượt Qua này, Giáo hội tiếp tục canh thức để mong đợi Chúa Phục Sinh và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua ấy trong các bí tích khai tâm Kitô giáo. (x. Ps. 77)
2/ Đâu là ý nghĩa của những dấu hiệu cử hành trong Đêm Canh Thức Vượt Qua?
+ “Tất cả mọi cử hành Canh Thức Vượt Qua được cử hành về đêm, nên phải bắt đầu lúc chập tối ; và phải kết thúc trước rạng đông ngày Chúa Nhật”. Qui định này phải tuân giữ hết sức nghiêm túc. (x. Ps. 78)
+ Đêm Canh Thức Vượt Qua là đêm mà người Israel tuân giữ hằng năm để kỷ niệm Cuộc Canh Thức của Đức Chúa nhằm giải phóng họ khỏi nô lệ Pha-ra-ô. Đêm nay đã tiên báo Cuộc Vượt Qua thật sự của Đức Kitô. Chính đêm nay Đức Kitô giải phóng khỏi tội lỗi bủa vây, “tiêu diệt tử thần, từ âm phủ chỗi dậy và toàn thắng hiển vinh”. (x. Ps. 79)
+ Từ thuở sơ khai, Giáo hội đã cử hành Lễ Vượt Qua hằng năm, đây là lễ trọng trên tất cả các lễ trọng ; đêm canh thức mang ý nghĩa trỗi vượt trên tất cả. Vì Chúa Kitô Phục sinh là nền tảng của niềm tin và niềm hy vọng của mọi Kitô hữu ; và qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chúng ta được sáp nhập vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, cùng chết, cùng chịu mai táng và cùng sống lại với Người, và cùng với Người, chúng ta cũng sẽ hưởng vinh quang. (x. Ps. 80)
+ Ý nghĩa viên mãn của Đêm Canh Thức Vượt Qua mang tính chất đợi trông cuộc quang lâm cánh chung của Chúa. (x. Ps. 80)
3/ Thứ tự đêm Canh Thức như thế nào?
Thứ tự của Đêm Canh Thức được sắp xếp để sau Nghi Thức Thắp Nến Phục Sinh và Công Bố Tin Mừng Phục Sinh (phần thứ nhất của Đêm Canh Thức), thì Giáo hội suy niệm những kỳ công Chúa đã làm cho dân Người ngay từ lúc khởi nguyên (phần thứ hai hay phần phụng vụ Lời Chúa) và cho đến hôm nay, cùng với những anh chị em tân tòng vừa được tái sinh khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy (phần thứ ba), Giáo hội được mời vào bàn tiệc mà Chúa đã dọn sẵn cho dân Người, qua việc tưởng niệm sự chết và phục sinh của Người, cho đến ngày Chúa đến (phần thứ tư).
Lưu ý: Không ai được phép theo sáng kiến riêng mà thay đổi thứ tự các phần cử hành phụng vụ này. (x. Ps. 81)
4/ Nghi thức làm phép lửa mới ngoài nhà thờ có ý nghĩa gì?
Bếp lửa ở nơi xứng hợp ngoài nhà thờ để làm phép lửa mới, và làm sao với ánh lửa mới này thật sự xoá tan sự tối tăm và thắp lên ánh sáng cho đêm đen.
Để duy trì tính chân thật của dấu chỉ, Nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, tránh hình thức giả tạo, đủ lớn và được làm mới cho mỗi năm, chỉ một cây nến mà thôi ; để nó diễn tả một sự thật rằng Chúa Kitô là Ánh Sáng soi chiếu thế gian. Nến Phục Sinh được làm phép theo cách thức được chỉ định trong Sách Lễ Rôma hoặc theo nghi thức do Hội Đồng Giám mục qui định. (x. Ps. 82)
5/ Nhà thờ tắt hết đèn điện, kiệu Nến Phục Sinh đã được làm phép vào nhà thờ, ánh sáng được thắp được lấy từ Nến Phục Sinh, Cộng đoàn đáp “Tạ Ơn Chúa!” sau mỗi lời xướng của linh mục chủ tế có ý nghĩa gì?
Khi kiệu Nến Phục Sinh, người cầm nến đã thắp sáng đi đầu và mọi người chỉ theo ánh sáng đó tiến vào nhà thờ. Bởi vì như các trẻ em Israel được dẫn đường bằng cột lửa vào ban đêm, thì người tín hữu cũng được Chúa Kitô Phục Sinh dẫn đường. Với mỗi lời đáp “Tạ ơn Chúa”, không có lý do gì mà không thêm một vài lời tung hô khác để tôn vinh Chúa Kitô.
Mọi người chuyền lửa từ ánh sáng của cây Nến Phục Sinh để thắp sáng cây nến của tất cả mọi người đang cầm trong tay. Trước đó, tắt tất cả đèn ở trong nhà thờ khi bắt đầu làm phép lửa. (x. Ps. 83)
6/ Ý nghĩa việc công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet)?
Đây là một bài thánh thi vĩ đại gói trọn tất cả ý nghĩa mầu nhiệm Phục Sinh trong toàn thể nhiệm cục cứu độ. Do nhu cầu, nếu không có thầy Phó tế và linh mục chủ tế không thể hát được, thì một ca viên có thể công bố thay linh mục. (x. Ps. 84)
7/ Đêm Vọng Phục Sinh có bao nhiêu bài đọc trong Sách Thánh? Ý nghĩa của những bài đọc ấy?
Thứ tự các bài đọc đã được sắp xếp, gồm 7 bài trích từ Cựu ước, được chọn từ sách luật và sách các ngôn sứ, được sử dụng khắp nơi theo truyền thống xa xưa của phương đông và phương tây ; và gồm 2 bài đọc trích từ Tân Ước là thánh thư của các tông đồ và từ Tin Mừng. Như vậy, Giáo hội ‘bắt đầu từ ông Môsê và các ngôn sứ’ để diễn giải mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Vì thế, Giáo hội khuyến khích đọc tất cả các bài đọc, tuy kéo dài thời gian, song việc đọc Lời Chúa là phần căn bản của Đêm Canh Thức Vượt Qua.
Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh mục vụ đòi hỏi, thì có thể bớt số bài đọc, ít nhất đọc ba bài Cựu Ước, trích từ sách luật và các ngôn sứ ; nhưng không bao giờ bỏ bài trích sách Xuất Hành chương 14, kèm theo bài ca vịnh.
Những bài đọc này cho thấy những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Rồi tín hữu được hướng dẫn để suy niệm cách nhẹ nhàng với việc hát thánh vịnh đáp ca, thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, và lời cầu nguyện của linh mục. (x. Ps. 85)
8/ Có nghi thức gì đặc biệt sau bài đọc cuối cùng được trích từ Cựu Ước?
Sau bài đọc cuối cùng trích từ Cựu Ước, cùng với đáp ca và lời nguyện thì linh mục xướng Kinh Vinh Danh ; trong lúc đó, kéo chuông hay đánh chiên trống, v.v. tuỳ vào phong tục địa phương. Sau Kinh Vinh Danh, linh mục đọc lời nguyện nhập lễ và thánh lễ tiếp tục với các bài đọc trích từ Tân Ước. Bài đọc thánh thư là một huấn dụ căn bản về Bí tích Thánh Tẩy; trong phép rửa, chúng ta được sáp nhập vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.
Rồi sau bài thánh thư, mọi người đứng lên. Linh mục, nếu cần thì phó tế hoặc một ca viên làm thay, long trọng hát xướng ‘Alleluia’ và cộng đoàn lặp lại theo giọng được xướng. Xướng ‘Alleluia’ ba lần, mỗi lần lên giọng cao hơn. Rồi ca viên hát thánh vịnh 117 và cộng đoàn đáp lại bằng lời Alleluia cho mỗi đoạn thánh vịnh. Các tông đồ thường trích dẫn thánh vịnh này trong bài giảng về Chúa Phục Sinh.
Sau hết, Chúa Phục Sinh được công bố trong Tin Mừng như là đỉnh cao của phần phụng vụ Lời Chúa. Kết thúc Tin Mừng, phải có một bài giảng tuy ngắn gọn. (x. Ps. 87)
9/ Phần Phụng vụ Thánh Tẩy (phần thứ 3) trong đêm Canh Thức diễn ra như thế nào?
Phần thứ ba của Đêm Canh Thức là Phụng vụ Thánh Tẩy, cử hành cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô và của chúng ta. Phụng vụ Thánh Tẩy đạt ý nghĩa trọn vẹn ở những nhà thờ có giếng rửa tội, và ý nghĩa hơn nữa nếu có ban bí tích khai tâm Kitô giáo cho người lớn, hoặc ít là ban bí tích Rửa tội cho trẻ em. Bằng không, tại các nhà thờ giáo xứ thì làm phép nước thanh tẩy. Nếu việc làm phép nước không diễn ra ở giếng rửa tội, nhưng ở cung thánh, thì nước thanh tẩy, sau đó, được đặt ở nơi cử hành bí tích Thánh Tẩy trong suốt Mùa Phục Sinh. Nơi nào không có dự tòng lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và cũng không làm phép giếng rửa tội, thì làm phép nước để nhắc lại bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận và để rồi rảy trên dân chúng. (x. Ps. 88)
Linh mục chủ tế nói vài lời nhằm tiếp tục nghi thức thánh tẩy để kêu gọi dân chúng lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Giáo dân đứng, cầm nến cháy trong tay và đáp lại những câu hỏi đặt ra cho họ. Rồi linh mục rảy nước thánh trên giáo dân. Như thế, cách thức cử hành và ngôn từ sử dụng gợi lại cho tín hữu bí tích Thánh Tẩy mà họ đã lãnh nhận. Trong khi linh mục đi rảy nước thánh thì mọi người hát điệp ca “Tôi đã thấy nước” (Vidi aquam) hay một bài thánh ca nào khác diễn tả đặc tính của bí tích Thánh Tẩy. (x. Ps. 89)
10/ Ý nghĩa của phần Phụng vụ Thánh Thể (phần thứ 4) trong đêm Canh Thức Vượt Qua là gì?
Phụng vụ Thánh Thể là đỉnh cao của toàn bộ cử hành Đêm Canh Thức vì nó diễn tả cách viên mãn nhất bí tích Vượt Qua. Cử hành Thánh Thể là tưởng niệm cuộc khổ nạn trên thập giá của Chúa và là sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh, là hoàn thành việc khai tâm Kitô hữu, và là nếm trước Cuộc Sống vĩnh hằng. (x. Ps. 90)
Mừng Chúa Phục Sinh đến bạn và gia đình!