Tin mừng: Mc 6,1-6
1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.
Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ?
3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người.
4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”
5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.
6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Để sẵn sàng đón nhận ánh sáng tươi mát của đức tin, cần phải mạnh dạn vượt qua sự vây hãm của thành kiến và những lo toan thế trần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian rao giảng ơn cứu độ cho các tội nhân, khơi dậy hy vọng giữa cõi đời tăm tối. Chính vì thế, những lời rao giảng của Chúa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nhưng một điều lạ lùng là chính những người đồng hương với Chúa lại chỉ nhận ra đó là những lời chói tai của con bác thợ mộc, chứ không nhận ra đó là lời loan báo tin vui của Con Thiên Chúa. Họ đã không giải mã được sứ điệp, vì họ không thể vượt qua được các thành kiến của mình. Họ đã từ chối ngước nhìn lên cao, đã cam chịu bám víu lấy trái đất, sợ phải xa rời những lực hút vốn đã quen, dù biết rằng sẽ có ngày đất nuốt họ đi. Con người đã chọn chính các giới hạn của mình làm nơi trú ẩn.
Lạy Chúa, chính con cũng đã sống như không có đời sau. Đức tin mà con đã lãnh nhận từ ngày được rửa tội vẫn chỉ là một đốm sáng hiu hắt giữa mịt mùng đêm tối. Nhiều khi con đã dừng lại, tự lừa dối mình rằng, bóng đêm là màn che an toàn nhất. Con lấp đầy khoảng trống trong đời con bằng những câu chuyện tiền nong cơm áo, bằng men rượu, bằng các giao du vô bổ. Con sống như người vô thần vì đã không nhận ra Con Thiên Chúa mang hình hài con bác thợ mộc, không nhận ra sứ điệp từ trời qua những tín hiệu trần gian.
Lạy Chúa, xin thương đánh thức con dậy và ban sức mạnh để con vượt qua chính bản thân mà đến với Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Thánh Marcô đã từng cho thấy thái độ không tin nơi những người bà con của Chúa Giêsu (x.Mác Cô 3,20-21: họ nói Ngài mất trí và muốn bắt người về quê; Mác Cô 3,31: Họ ngăn cản Ngài rao giảng). Trong đoạn này, Mác Cô ghi nhận thêm thái độ không tin cỉa những người cùng làng với Ngài.
Lý do không tin là thành kiến “Bụt nhà không thiêng”: “Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, và anh em ông không phải là Giacôbê, Giosê và Simon sao ? Chị em ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta hay sao ?” (câu 3)
Hậu quả của thái độ không tin: “Ngài đã không làm được phép lạ nào tại đó; Ngài chỉ đặt tay trên vài bệnh nhân và chữa lành họ.” (câu 5)
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những “người dưng” và coi thường những “người nhà”. Thánh Gioan tiền hô nói với dân Do Thái “Có một vị giữa các ông mà các ông không biết” (Gioan 1,26). Trong nếp sống cộng đoàn thái độ này không có thái độ khuyến khích và tôn trọng lẫn nhau.
“Gần chùa gọi bụt bằng anh”. phải chăng vì Chúa quá gần và quá dễ dãi với chúng ta nên ta coi thường Chúa ?
2. Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Cá-phác-na-um thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là bác thợ mộc, là anh chị em ta. Bài Tin Mừng hôm nay khuyến khích chúng ta làm điều thứ hai, tức là tin vào Chúa Giêsu trong đời thường, trong công việc, trong anh chị em…
Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sỹ ấn giáo tại chân núi Hymãlạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông: Trước đây tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn nhận thêm người tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà tu viện bây giờ chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sỹ thì lèo tèo vài người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi tu sỹ ấn giáo cho biết nguyên nhân hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện đến tình trang trên đây. Tu sỹ ẩn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích: “Chúa Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Ngài”.
Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và thông báo cho họ biết Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một ngươì trong nhà. Các tu sỹ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Chúa Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ có thể là Chúa Cứu Thế.
Vậy từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Chúa Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm tin đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích “Món quà Giáng Sinh”)
3. “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4)
Ra trường với mảnh bằng sư phạm trong tay, tôi được cử dạy tại một ngôi trường gần nhà. Tôi rất sung sướng vì khỏi phải đi xa. Tôi dã cố gắng vận dụng mọi kiến thức và khả năng để giảng dậy cho các em, và điều đó làm cho tôi rất vui.
Một ngày kia, tình cờ tôi nghe thấy các em nói với nhau: “Ổng ở gần nhà tao đó. Mày có biết không, hồi nhỏ ổng dốt lắm, anh tao nói môn toán “xơi ngỗng” hoài!”.
Từ ngày đó, tôi phải chấp nhận những ánh mắt nghi ngờ, những dấu chấm hỏi làm nhức nhối con tim. Dù sao tôi vẫn không thể thoái nhiệm hay dễ dàng rời xa lý tưởng của mình.
Cầu nguyện: Xin giúp con theo Chúa đến cùng trên con đường yêu thương và phục vụ, dù có bị rẻ rúng giữa những người mà con đã hết lòng yêu thương và phục vụ. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa Giêsu bị khước từ (Mc 6,1-3-6)
- Sau khi đi rao giảng Tin mừng một thời gian ngắn, hôm nay Chúa Giêsu trở về Nagiarét quê hương của Người. Người vào giảng dạy trong hội đường. Ai nấy đều cảm phục vì bao phép lạ Người làm, vì giáo lý của Người rất cao siêu và giảng dạy rất khôn ngoan. Nhưng vì họ cứ nghĩ Người là một anh thợ mộc tầm thường trong làng, mà không nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, nên không chịu tin lời Người. Họ có thành kiến lớn lao đối với Người. Thế nên Người không làm phép lạ nào để cứu giúp họ, mà chỉ chữa vài người bệnh, vì Người không muốn tỏ quyền năng của Người cho những kẻ đóng kín tâm hồn.
- Theo ông Đào Duy Anh, “thành kiến” là ý kiến cố chấp không thể lay động được. Khi có ý kiến tốt hay xấu về một người hay một vật gì thì khó lòng có thể thay đổi được. Thành kiến thay đổi sự thật của sự vật, không còn như nó có nữa. Thành kiến đã bóp méo sự thật, giống như người đeo kính màu xanh thì vật gì cũng xanh, đeo kính màu đỏ thì vật gì cũng đỏ.
Người ta có thể nhìn sự vật với ba thái độ, đó là yêu, ghét hay dửng dưng. Nhưng thường thì chúng ta ít khi có thái độ dửng dưng, trung lập, mà thường là nghiêng về một phía yêu hay ghét. Chính thái độ yêu hay ghét này làm cho ta nhìn sự vật khác nhau: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Khi yêu thì coi mọi sự đều đẹp đều tốt, khi ghét thì mọi cái là xấu: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.
- Qua kinh nghiệm hằng ngày, chúng ta phải công nhận rằng: thành kiến là một căn bệnh phổ quát chung cho mọi người. Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bề ngoài mà đánh giá thiên hạ. Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên; do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở ẹc ra. Người có danh tiếng thì lời nói việc làm nào cũng được coi như vàng ngọc. Người vô danh tiểu tốt thì lời có đẹp như trăng sao, việc có hay như thần thánh, cũng bị thành kiến dìm xuống đến tận bùn đen. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Không tiên tri nào lại được trọng đãi nơi quê hương mình” (Ga 4,44).
- Dân làng Nagiarét không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó có thể là Vị Cứu tinh, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được ? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giàu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.
Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân làng Nazareth, Chúa Giêsu chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dân làng Nazareth không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu Thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu Thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu Thế như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.
- Trên đường truyền giáo, Chúa Giêsu vẫn đem các môn đệ đi theo để huấn luyện các ông. Trong việc huấn luyện cũng cần thấy sự thất bại, chứ không phải chỉ nhìn thấy thành công. Sau này trên đường truyền giáo, sự thất bại không làm cho các ông nản lòng./Các nhà rao giảng Tin mừng hãy bắt chước Chúa Giêsu mà đón nhận thái độ “Bụt nhà không thiêng” của những người được rao giảng. Họ có thể nghi kỵ, không ưa, hoặc chống đối chúng ta đi nữa, thì hãy vững tâm vì “chân lý sẽ thắng”. Ban đầu có thể gặp thất bại nhưng với thời gian người ta sẽ nhìn ra chân lý. Chúa Giêsu đã thất bại khi còn sống nhưng đã thành công vẻ vang sau khi sống lại. Người tông đồ cũng phải đi theo con đường ấy: phải kiên nhẫn chịu đựng, nhưng phải chịu đựng trong vui tươi với tình thương mến.
- Truyện: Cậu bé R. Tagore
R. Tagore là một thi sĩ nổi tiếng của Ấn Độ và cả Đông phương nữa. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu. Một hôm, cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha xe. Ông thân sinh lắc đầu chê:
– Thơ mày là thơ thẩn!
Tagore mới nghĩ ra một mưu: cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và chua xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận.
Lần này, ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: “Tuyệt, tuyệt”. Rồi đem khoe tíu tít với đứa con trai lớn của ông, hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói:
– Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này.
Ông con trai chủ nhiệm đọc xong cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen là hay đáo để, và muốn trích đăng lên mặt tờ báo văn học của ông.
Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia ra, để đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề chua xuất xứ trong khi đăng.
Đến đây câu chuyện mới vỡ lở ra. Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore! Ông thân sinh giận sôi máu lên, nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa nay.
Nguồn: tgpsaigon.net