“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.
Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.
Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.
Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
Suy niệm:
Những tưởng phép lạ hoá bánh ra nhiều mà Chúa Giêsu đã thực hiện sẽ mang lại nhiều ích lợi thiết thực về phần thiêng liêng cho số đông dân chúng theo Người, nhưng sự thật không như vậy. Thì ra phần đông đi theo Chúa Giêsu không phải để lắng nghe lời Người giáo huấn mà chỉ vì “cái bao tử” của họ. Thế nên, tại hội đường Caphacnaum, Chúa Giêsu đã giúp cho họ hiểu đằng sau phép lạ Người đã thực hiện là gì và đâu là ý nghĩa đích thực đằng sau sự kiện ấy.
Từ lương thực chóng hư nát… Trước thái độ vụ lợi của đám đông dân chúng, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh họ: “Các ông tìm tôi không phải vì dấu lạ, nhưng vì được ăn no”. Thật vậy, dân chúng sau khi được ăn bánh no nê, họ lại tìm kiếm Chúa. Lần này, việc tìm kiếm Chúa không phải để hiểu biết Người, không phải khao khát được ánh sáng chiếu soi nhằm khám phá ra con Người Chúa Giêsu mà chính là “cái bao tử” soi đường dẫn lối họ. Như thế, dấu lạ hoá bánh ra nhiều chỉ khơi dậy nơi lòng dân chúng một ước muốn là có bánh ăn. Họ chỉ nghĩ đi theo Chúa Giêsu chỉ hao tốn chút thời gian nhàn rỗi, không phải làm lụng vất vả mà vẫn ăn uống thoả thuê. Thế thôi. Vì thế, Chúa Giêsu giúp họ hiểu thấu hơn nữa ý nghĩa phép lạ Người đã làm. Đến bánh trường sinh
Hơn ai hết, người Do thái hẳn biết rất rõ bánh Manna thời ông Môsê. Thật thế, bốn mươi năm trường trong sa mạc, dân Israel đã không lao tâm khổ tứ để làm ra cơm bánh mà vẫn có lương thực hằng ngày dùng đủ. Họ hiểu rõ Giavê Thiên Chúa vẫn hằng săn sóc và hướng dẫn họ trong suốt hành trình về đất hứa. Giờ đây, đứng trước đám người bước theo Chúa chỉ vì cái lợi trước mắt và chóng hư nát ấy, Chúa Giêsu đã vin vào sự kiện manna của cha ông ngày xưa để hướng họ chú tâm vào chính lương thực Thần linh là Bánh đích thực.
Môsê xưa cho cha ông họ ăn bánh bởi trời nhưng chưa phải là bánh bởi trời đích thực. Chúa Giêsu đến và Ngài cho thấy, thứ bánh manna xưa chỉ là dấu hiệu cho Manna đích thực. Và đây chính là điều quan trọng trong đạo lý của Chúa Giêsu. Hồng ân Manna xưa chỉ là một ân huệ tạm thời, chỉ là một dấu hiệu loan báo cho một thực tại đích thực. Việc hóa bánh ra nhiều cũng chỉ là một dấu chỉ. Chính Chúa Giêsu mới là Bánh Đích thực, Bánh Trường Sinh, bánh từ trời xuống để cho thế gian được sống. Vâng, Chúa Giêsu chính là bánh đích thực, là nguồn sống Thần linh đến từ Thiên Chúa. Đây là nguồn sống Thần linh vĩnh cửu, bất diệt mà bất cứ ai đều khao khát được lãnh nhận. Khi con người lãnh nhận nguồn sống Thần linh này, họ sẽ được nhận lãnh chính sự sống trong thế giới của Thiên Chúa. Sự sống đó, Chúa Giêsu chỉ chia sẻ cho những ai tin vào Thiên Chúa, tin vào giáo huấn của Người mà thôi.
Trong tâm thức của nhiều người Dothái, họ có thể chấp nhận kiếp làm tôi tớ chỉ để được sống qua ngày, để được ăn no. Chúa Giêsu không như vậy. Điều Người muốn là, họ được tự do đi theo Người và tin vào giáo huấn của Người. Đây chính là điều kiện tiên quyết để họ được hưởng “thứ bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Ở đây có một sự khác biệt vô cùng lớn về thang giá trị. Một bên là, người Dothái chấp nhận làm tất cả những gì trong thân phận nô lệ chỉ để đảm bảo cho cuộc sống tại thế, nay còn mai mất, để thoả mãn cơn đói khát về thể xác; còn một bên là, chỉ tin vào Chúa Giêsu cùng với giáo huấn của Người, họ có thể có tất cả và, còn hơn thế nữa, họ sẽ được thừa hưởng vinh quang và phúc lộc trong ân sủng của Thiên Chúa. Người Dothái thời Chúa Giêsu và cả chúng ta nữa không dại gì chọn cho mình kiếp làm nô lệ. Vậy là đã rõ. Chúng ta đã biết phân định và tự do lựa chọn cho tương lai và cuộc sống của mình. Bước theo Chúa Giêsu và tin vào giáo huấn của Người, chúng ta sẽ lãnh nhận sự sống Thần linh trong ân sủng của Thiên Chúa. Và, điều này mới thực sự là cùng đích, là sự khao khát đích thực của kiếp người.
“Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”. Người Do thái và cả chúng ta nữa vẫn hằng cầu xin và ước ao “thứ bánh kỳ diệu” ấy. Thật sự, thứ bánh kỳ diệu ấy đang ở rất gần trong tầm tay của chúng ta. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có thực sự muốn hay không mà thôi.
(Suy niệm của Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb)