Học và sống theo Đức Kitô vâng phục
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8)
Lời khấn tuân phục phải giúp chúng ta giáp mặt với vấn đề này: chúng ta đang khao khát thứ tự do nào trong Chúa Kitô? Lời khấn này có thể diễn tả ý nghĩa đó như thế nào, và giúp chúng ta giảng thuyết về Nước Trời như chúng ta sống niềm hân hoan của con cái Thiên Chúa ra sao? Lời khấn vâng phục là gương mù trong một thế giới đang khao khát sự tự do như giá trị cao cả nhất. Nhưng sự tự do chúng ta đang khao khát là thứ tự do nào?
I. ĐỨC GIÊSU, CON NGƯỜI VÂNG PHỤC:
1. Vâng phục là yêu thương
Nơi Đức Giêsu, vâng phục hoàn toàn là yêu thương.
Vâng phục là đón nhận tất cả từ nơi Chúa Cha, đón nhận bản thân Cha, đón nhận tình yêu của Cha, sự sống của Cha; đón nhận chương trình của Chúa Cha, lời của Cha, giáo lý của Cha, công việc của Cha, ý muốn của Cha.
Yêu ai, ta sẵn sàng thực hiện ý muốn của người ấy, sung sướng thực hiện, luôn bận tâm thực hiện ý muốn ấy. Người yêu chỉ thích mỗi một đieu là làm đẹp lòng người mình yêu. Yêu thương là linh hon của sự vâng phục và làm cho vâng phục trở thành tự do .
2. Vâng phục là niềm vui
Đối với Đức Giêsu, vâng phục Chúa Cha là hoàn toàn làm theo ý muốn của Chúa Cha, và vui sướng vì được làm đẹp lòng Cha. Đó là đieu làm cho Đức Giêsu bận tâm hơn cả, là lẽ sống, là niem vui của Người: Lương thực của Thay là làm theo ý muốn Đấng đã sai Thay (Ga, 34).
Sự vâng phục của Đức Giêsu biểu lộ tình yêu sâu thẳm nhất: yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết. Đức Giêsu tự coi mình là tôi tớ trung thành nhất của Thiên Chúa, không bao giờ phản bội Thiên Chúa, không bao giờ đi ngược với đường lối của Thiên Chúa.
II. THÁCH ĐỐ CHO ĐỨC VÂNG PHỤC:
1. Quan niệm tự do là nếp sống bừa bãi
Quan niệm ve tự do của thế giới hôm nay đã mất đi yếu tố khách quan, chỉ còn giữ lại yếu tố chủ quan. Nhiều người có khuynh hướng tách rời tự do khỏi chân lý và quy luật luân lý.
Người ta không còn muốn tôn trọng kỷ luật, coi kỷ luật như là sự ràng buộc làm mất tự do của con người. Nhiều người không tôn trọng trật tự, coi thường công lý. Sự sống không được bảo vệ, đặc biệt là những thai nhi vô tội trong lòng người mẹ và còn có khuynh hướng coi đó là quyền tự do của chị em phụ nữ.
2. Khủng hoảng quyền bính
Thế giới đầy những bất công và bạo động, vì thiếu tôn trọng những quy luật đạo đức khách quan. Giới trẻ muốn thoát mọi ràng buộc của người lớn, của cha mẹ ông bà, vì thấy người lớn không hơn gì họ, hoặc không đáng tin cậy.
Khủng hoảng quyền bính kéo dài trong xã hội và Giáo hội.
Liệu nhân đức vâng phục còn có ý nghĩa gì trong một thế giới đầy những sáng tạo, và luôn chờ đợi những sáng kiến mới ? Sự rập khuôn theo kiểu cũ ngăn chặn đà tiến của xã hội, và làm cho xã hội phải tụt hậu? Dám nghĩ, dám làm là dấu chỉ sự trưởng thành, không lệ thuộc cách ấu trĩ vào người khác. Liệu những ai chỉ quen làm theo ý người khác, có cơ hội để trưởng thành hay không?
III. ĐỨC TUÂN PHỤC: SỰ TỰ DO CỦA CON CÁI THIÊN CHÚA
1. Tuân phục và dâng hiến bản thân
Việc tuyên khấn của chúng ta, khi chúng ta đặt để cuộc đời mình vào tay vị Tổng quyền, là hành vi tạ ơn của một sự tự do điên rồ. Đây là cuộc đời tôi, và tôi trao cho chị em. Chính như thế, chúng ta dâng hiến bản thân để phục vụ sứ mạng của Dòng, “hoàn toàn được cử đi loan báo Tin Mừng trọn vẹn Lời của Thiên Chúa” (Hiến pháp III).
Thế giới hôm nay hơn bao giờ hết cần tìm lại ý nghĩa của nhân đức vâng phục, để có thể ra khỏi khủng hoảng quyền bính hiện nay rất tai hại cho cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Nhiều gia đình bị tan nát, nhiều xã hội bị băng hoại.
Vâng phục ngày hôm nay không còn là sự lệ thuộc như thời nô lệ, không còn là sự rập khuôn làm mất hết tính người, mà là tự nguyện chấp nhận chân lý, chấp nhận trật tự can thiết cho mọi sinh hoạt, chấp nhận kỷ luật vì ích lợi chung của mọi người. Vâng phục hôm nay là sáng suốt chấp nhận quyền bính, nhận ra ý nghĩa phục vụ của quyền bính.
Vâng phục không đi ngược hay mâu thuẫn với tự do, mà là dấu chỉ của tự do, vì trong vâng phục luôn có yếu tố tự nguyện. Không có tự nguyện, thực sự không có vâng phục. Sự tự nguyện luôn phát xuất từ chiều sâu của tự do, vì thế trong vâng phục luôn luôn có tự do.
Trong trường hợp vâng phục Thiên Chúa, rõ ràng và chắc chắn là con người càng vâng phục Thiên Chúa bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu. Thiên Chúa là Đấng Cứu Thoát. Ngài không bao giờ trói buộc con người, nhưng luôn giải phóng con người. Những thánh nhân là những con người tự do nhất. Càng đạo đức thánh thiện bao nhiêu, con người càng tự do bấy nhiêu.
Trường hợp của Đức Giêsu là điển hình. Trên trần gian này, không con người nào tự do bằng Đức Giêsu, không con người nào đạo đức thánh thiện như Ngài, không có ai vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Ngài. Không ai tri Thiên Mệnh bằng Ngài.
Biết Chúa Cha hay tri Thiên Mệnh là niềm vui, là lẽ sống, là hạnh phúc của Đức Giêsu. Và đó cũng là nền tảng của sự vâng phục trong Hội Thánh. Lời khấn vâng phục trong đời sống thánh hiến cũng xây dựng trên nền tảng ấy, nên là niềm vui, là lẽ sống, là hạnh phúc của đời tu. Chính vì thế, những tu sĩ không vui tươi không yêu thương trong vâng phục, là những phản chứng từ.
2. Vâng phục và lắng nghe
Tuân phục là cách diễn tả tình chị em của chúng ta đối với nhau, diễn tả cuộc sống của chúng ta trong Dòng, phải dựa trên nền tảng sự đối thoại và bàn bạc. Người ta hay nhấn mạnh đến điều đó bằng cách phân tích từ obedire, từ này gốc bởi ob-audire, nghĩa là nghe. Khởi đầu của sự tuân phục đích thực, chính là khi chúng ta dám để cho các chị em của chúng ta nói và chúng ta nghe họ. Đó là nguyên tắc thống nhất (Hiến pháp 17.1). Đó cũng chính là chúng ta quy tụ lại để lớn lên như những con người bằng thái độ chú ý lắng nghe người khác.
Sự vâng phục ngày hôm nay còn có chieu kích cộng đoàn: mọi người cùng nhau đi tìm thánh ý Thiên Chúa, cùng nhau đón nhận và cùng nhau thi hành; mọi người nỗ lực tiến tới đồng tâm nhất trí bằng đối thoại. Sự vâng phục liên kết các thành viên trong cùng một sứ mạng, cùng một tình yêu, dù nhieu người có những đoàn sủng khác nhau… Quyền bính trong cộng đoàn nhằm biện biệt và hiệp thông. Sự đoàn kết, ý chí chung, tình huynh đệ chị em, sự cởi mở với nhau là dấu chỉ triển nở của đời sống vâng phục trong cộng đoàn. Sống vâng phục theo Tin Mừng, các tu sĩ kinh nghiệm được hạnh phúc của việc cùng nhau lắng nghe là thực thi Lời Chúa (Lc 11, 28). Khi vâng phục, người tu sĩ chắc chắn mình đang thi hành sứ mạng, vì không theo ý muốn riêng.
TẠM KẾT
Vâng phục và tự do
Công đồng Vaticano II đã nhìn nhận “sự tự do được đức tuân phục tăng cường” (Hiến chế Giáo hội, số 43) là một trong những ân huệ của dòng tu, và nhấn mạnh rằng đức tuân phục ấy “thay vì giảm bớt nhân phẩn của con người, lại làm cho con người trở nên trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con cái Thiên Chúa” (Sắc lệnh Dòng tu, số 14).
Chính nhờ vâng phục, chị em được giải thoát khỏi “cái tôi” vị kỷ, khỏi các yếu đuối và ảo tưởng, thói ham hố quyền lực và các đam mê theo thói thường tình, đồng thời biết sử dụng tự do một cách cao thượng mà liên kết trọn vẹn với Thánh Ý Thiên Chúa (Tông huấn Chứng tá Phúc Âm, số 29). Như thế chị em càng được tự do để phát huy các năng lực tự nhiên và siêu nhiên đến mức tối đa, và nhờ đó khi phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, chị em biết mở rộng con đường hạnh phúc của sự tư do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người.
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP