Lời khuyên phúc Âm khó nghèo để bắt chước Chúa Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, đòi buộc tu sỹ sống nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, lệ thuộc và bị hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản theo quy luật riêng của từng Hội Dòng. (Giáo Luật, số 600)
Đức thanh bần tự nguyện mà chúng ta tuyên khấn có giá trị không phải vì – theo nghĩa nào đó – sống nghèo là một điều tốt. Nghèo là điều đáng ghê tởm. Nghèo khó làm tan nát gia đình nhân loại, làm cho chúng ta trở nên những người xa lạ đối với anh em mình. Ông Ladarô nằm trước cửa nhà người giàu có không chỉ có nghĩa là không được chia sẻ lương thực, mà còn bị loại ra khỏi bàn ăn. Nghèo chỉ có ý nghĩa khi nó giúp người ta vượt qua những ranh giới phân cách con người với nhau, khi nó là sự hiện diện bên cạnh anh chị em chúng ta, sự hiện diện như một dấu chỉ của Nước Trời.
1. ĐỨC GIÊSU TỰ NGUYỆN SỐNG THÂN PHẬN NGHÈO
Con người nghèo theo Kinh Thánh, trước hết là con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về bản thân, hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa, không cậy dựa vào trần gian. Người nghèo là sở hữu của Thiên Chúa, gia nghiệp của Thiên Chúa, là của riêng của Thiên Chúa.
1. Phúc cho anh em là những người nghèo
Đức Giêsu là người nghèo nhất trong số các người nghèo. Người nghèo nhất là người hạnh phúc nhất, vì Nước Trời là của họ. Đức Giêsu là người sống mối phúc thật thứ nhất trọn vẹn hơn cả. Người quả là phúc nhân.
Nghèo, theo Phúc âm, không là bất hạnh, mà là không sở hữu. Người nghèo chỉ làm tôi một mình Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới là quan trọng. Đức Giêsu là người nghèo, là Tôi Trung của Thiên Chúa.
2. Nếp sống đạm bạc
Người nghèo là người tự do thư thái đối với của cải vật chất. Người nghèo không có tham vọng. Đức Giêsu quả thực là người nghèo nhất, người tự do nhất, vì Người không chút bận tâm về ngày mai, không hề lo toan tích trữ, không cần chỗ nương tựa: chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu (Mt 8, 20; Lc 9, 58).
3. Kính trọng những người khác
Người nghèo không tự coi mình là quan trọng. Đối với người nghèo, tha nhân mới là quan trọng. Đức Giêsu chú trọng tới người khác, không chú trọng tới bản thân, không đòi hỏi người khác lo cho mình. Người chỉ kêu gọi người khác hãy tin vào Người, vì ai tin vào Người là tin vào Chúa Cha, Đấng đã sai Người, sẽ được sống đời đời.
2. THÁCH ĐỐ CỦA ĐỜI DÂNG HIẾN
1. Đối diện với nền văn minh hưởng thụ
Đức khó nghèo, lời khấn khó nghèo liệu còn có ý nghĩa gì trong một nền văn minh tiêu thụ, mà điều quan trọng nhất là tiêu thụ các sản phẩm, để cho kinh tế thương mại ngày càng phát triển, và xã hội ngày càng giàu có?
2. Sống nghèo có thực sự là một lời chứng?
Liệu người Kitô hữu có thể thực hành mối phúc thật đầu tiên mà Chúa Giêsu dạy trong Hiến Chương Nước Trời hay không? Liệu những người tu sĩ có thực hành được lời khấn khó nghèo? Có hạnh phúc khi sống đời khó nghèo, trong một thế giới chỉ chạy theo tiền của? Trong một thế giới mà người ta dửng dưng với người nghèo, sống nghèo phỏng có ích lợi gì hay không?
Một nguy cơ lớn cho thế giới chúng ta là sự thiếu quân bằng về sinh thái, vì lý do cạnh tranh của các nền kinh tế thị trường, liệu một linh đạo về khó nghèo có giúp ích gì cho nhân loại về vấn đề này hay không?
III. CHỨNG TÁ PHÚC ÂM QUA NẾP SỐNG PHÓ THÁC
1. Tâm tình tín thác của khó nghèo Phúc Âm
Đức khó nghèo theo Tin Mừng tự nó có giá trị rất lớn, vì là noi gương Đức Kitô khó nghèo, là thực hành mối phúc thật thứ nhất. Hạnh phúc trong đời sống tu trì là câu trả lời hùng hồn cho vấn đề ý nghĩa của đời sống khó nghèo. Đời sống thánh hiến làm chứng chỉ có Thiên Chúa mới là kho tàng đích thực của trái tim con người. Và đúng như Chúa Giêsu đã nói, kho tàng của con người ở đâu, thì lòng con người ở đó. Người tu sĩ khó nghèo luôn luôn hướng về Thiên Chúa, chỉ nghĩ tới Thiên Chúa. Khó nghèo trong đời sống thánh hiến tự nó là một chứng từ có sức thuyết phục chống lại việc tôn thờ tiền bạc.
2. Nhạy cảm trước những khát vọng của con người
Ngoài ra, những người sống khó nghèo theo Tin Mừng còn có những đóng góp to lớn với xã hội, khi họ tích cực dấn thân phát huy sự liên đới giữa loài người, phát huy lòng bác ái vị tha là điều rất cần thiết cho đời sống con người. Người sống đời thánh hiến thường không tính toán trong công việc phục vụ những con người nhỏ bé nhất, nghèo nàn nhất.
Người sống đời thánh hiến được mời gọi sống thanh đạm và hãm bớt các ước muốn. Họ từ bỏ chính mình và sống tiết độ bằng đời sống huynh đệ đơn sơ nhưng hiếu khách: có những cộng đoàn nhỏ, rất nghèo, nhưng không đóng kín hay tiếc xót với khách qua đường; họ có nhiều cơ hội đón được Chúa.
3. Ưu tiên cho người nghèo
Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo: chọn lựa người nghèo là chọn lựa dứt khoát của Chúa Giêsu và Hội thánh. Các Dòng Tu phải mạnh dạn, rõ ràng, dứt khoát trong chọn lựa những đối tượng ưu tiên cho công việc phục vụ của mình.
Hơn bao giờ hết, người tu sĩ hôm nay được mời gọi chia sẻ đời sống của những người cùng khốn, làm việc giữa những người nghèo và ngoài lề xã hội, âm thầm phục vụ không cần ai biết đến. Người sống đời thánh hiến cách trọn vẹn, luôn khao khát thông phần sự nghèo khó tột cùng của Đức Giêsu chịu đóng đinh.
Tinh thần khó nghèo của Đức Giêsu rất cần thiết cho thế giới hôm nay, một thế giới luôn không ngừng tranh chấp. Ngày nay có một con đường rất hợp thời, mới mẻ được Hội Thánh đề cao, để thực tập nhân đức khó nghèo, sống tinh thần khó nghèo, đó là con đường đối thoại.
THAY LỜI KẾT
Một vài băn khoăn về đức nghèo
Người nghèo có thể cảm thấy mình đang ở nhà mình và được người nhà tiếp đãi tử tế trong cộng đoàn của chúng ta không?
Họ có cảm thấy phẩm giá của họ được tôn trọng không? Hay họ cảm thấy sợ và thấy hèn kém?
Nhà cửa của chúng ta thu hút họ đến hay xua đuổi họ đi?
Đối với người nghèo, một trong những cách bị loại ra ngoài cộng đoàn nhân loại, đó là trở thành những người không ai nhìn thấy và không ai nghe biết. Họ biến mất giống như ông Ladarô ở trước cửa nhà người phú hộ. Khi chị đi chợ hoặc đến tham quan một khu thắng cảnh, đến dùng bữa tại một nhà hàng, hay dừng bước tại một bến xe khách, … chị có thấy những người hành khất ùa đến và phô bày mọi thứ dị dạng? Họ muốn chúng ta nhìn thấy, họ muốn trở nên hữu hình, họ muốn đánh động lòng trắc ẩn của chúng ta trước những vết thương rỉ máu trên thân thể họ … Chúng ta có dám nhìn thẳng vào nỗi đau khổ của anh chị em chúng ta không?
Có bao giờ chị cảm thấy áy náy lương tâm vì lối sống quá đầy đủ và xem ra như dư thừa?
Có bao giờ chị cảm thấy thanh thản với câu nói “thiếu thốn ít vậy còn hơn dư thừa”?
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP