Thứ Sáu Tuần Thánh
Đau khổ mà còn khóc được, đau đớn mà còn rên la được, thì vẫn còn là đau đớn, nhưng khi không còn có thể khóc, không còn có thể kêu la, không còn có thể kể lể, nhưng toàn thân tê dại, chết trân, bất động, “đứng hình”, và chỉ còn lại yên lặng sâu thăm thẳm, thì đau đớn, đau khổ dưòng như đã vượt xa ngưỡng của sức người có hạn.
Các bài đọc phụng vụ của thứ sáu tuần thánh như đang đưa tâm hồn chúng ta vào bầu khí thinh lặng của lòng thương xót, ở đó bài đọc 1 chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Giêsu, người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa Giavê, bị loài người nguyền rủa, xỉ nhục, tra tấn. Bài đọc II vị Thượng tế vâng phục trải qua nhiều đau khổ vì tội lỗi của dân, Cuối cùng là bài Thương khó: Đấng Cứu Độ bị khai trừ, loại bỏ khỏi xã hội loài người và chịu đóng đinh như tội phạm nguy hiểm.
Không yên lặng sao được, vì còn lời nào để nói trước người tôi trung của Thiên Chúa: “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14), Không yên lặng sao được trước vị Thượng Tế thánh thiện và tuyệt đối vâng phục, nhưng dường như bị Thiên Chúa bỏ rơi (x.Mt 27,46), và phải chịu vô vàn đau khổ để chuộc tội cho dân (x. Dt 5,7-9).
Không yên lặng sao được trước người tử tội hoàn toàn trong sạch và vô tội bị quy chụp đủ thứ tội, nào là xúi dân làm loạn, lộng ngôn, phạm thượng, chống lại Lề Luật, lại còn bị cáo buộc âm mưu phá bỏ Đền Thờ của Thiên Chúa.
Đức Giêsu, suốt thời gian bị tra khảo trước Thượng Tế Caipha và Philatô với những vu cáo, buộc tội và lên án hồ đồ, không chứng cớ đã không mở miệng đối chất, cãi vả, minh oan, nhưng yên lặng, trừ một vài lần vắn tắt lên tiếng khẳng định: Ngài không lén lút nhưng công khai giảng dạy (x. Ga 18,20-21), nếu Ngài nói đúng, sao lại đánh Ngài (Ga 18,23), Ngài nhận mình là vua, nhưng vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian, và Ngài “đến để làm chứng cho sự thật và ai đứng về phiá sự thật thì nghe tiếng Ngài” (x. Ga 18,33-37).
Trên đường vác Thánh Gía đế nơi hành quyết, Đức Giêsu cũng yên lặng, không oán trách, than van dù chung quanh, đám đông hiếu kỳ thị phi, đàm tiếu, thách thức Ngài, trừ một lần Ngài dừng lại an ủi chị em phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương Ngài (x. Lc 23,28).
Sự yên lặng của Đức Giêsu trên đường Thánh Giá mỗi lúc một sâu lắng hơn cho đến khi chịu đóng đinh vào Thánh Gía, thì hầu như Ngài không nói lời nào nữa, ngoài những lời an ủi, tha tội và hứa ban hạnh phúc Nước Trời, trong khi các thủ lãnh buông lời cười nhạo, và lính tráng nhục mạ, chế giễu (x. Lc 23,35-36).
Chính trong thinh lặng cam chịu mọi hình phạt dành cho tội nhân, Đức Giêsu đã nói lên lời an ủi thân mẫu và môn đệ Ngài thương mến (x. Ga 19,26-27); chính nhờ thinh lặng cầu nguyện, Đức Giêsu đã thốt lên lời nài xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ làm khổ Ngài (x. Lc 23,34); chính ở thinh lặng chuộc tội, Đức Giêsu đã hứa với người gian phi cùng chịu đóng đinh bên phải Ngài: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
Anh chị em thân mến,
Tóm lại, phụng vụ thứ sáu tuần Thánh đưa chúng ta vào trong thinh lặng chịu đau khổ với Chúa Giêsu, Đấng bày tỏ lòng tình yêu vô cùng và đến cùng của Ngài đối với tội nhân; trong yên lặng, Con Thiên Chúa đã ôm hết nhân loại vào lòng thương xót của Ngài; trong thinh lặng, Đức Giêsu đã thể hiện trái tim từ mẫu của Thiên Chúa.
Sống thinh lặng với Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá trong ngày thứ sáu tuần thánh, chúng ta dâng Chúa tâm hồn sầu đau, đôi mắt mòn mỏi, thân hình tiều tuỵ, hoàn cảnh ngặt nghèo, bước đường cùng khốn, cả những lời độc địa, điêu ngoa, những điều khủng khiếp, để tất cả được trở nên của lễ hiệp dâng trong Hy Lễ Thánh Giá của Đức Giêsu, Đấng đã thinh lặng chịu sỉ nhục, thinh lặng chịu đánh đòn, thinh lặng chịu đội mão gai, thinh lặng chịu lên án, thinh lặng chịu đóng đinh, thinh lặng chịu chết để đi đến cùng lòng thương xót của trái tim Đấng Cứu Độ.